Từ phong trào tôn giáo sinh thái trên thế giới nghĩ về công tác hoằng pháp của Phật Giáo Việt Nam hiện nay
TỪ PHONG TRÀO TÔN GIÁO SINH THÁI TRÊN THẾ GIỚI NGHĨ VỀ CÔNG TÁC HOẰNG PHÁP CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM HIỆN NAY
ĐĐ ThS. Thích Thiện Huy - TS Dương Hoàng Lộc
Tóm tắt:
Hiện nay, phong trào tôn giáo sinh thái đang lan mạnh, đem lại hiệu ứng tích cực ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với sứ mạng truyền bá chánh pháp của đức Phật, ngành hoằng pháp phải làm gì để tham gia vào việc bảo vệ môi trường sinh thái đang trở thành một chủ đề quan tâm của nhà nước Việt Nam lẫn Giáo hội Phật giáo và cộng đồng xã hội? Bài viết này giới thiệu mối quan hệ tôn giáo và sinh thái, các phong trào tôn giáo sinh thái lớn trên thế giới. Đồng thời, chúng tôi cũng bước đầu đề xuất đến một số giải pháp cho hoạt động hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam hướng đến mục tiêu cùng xã hội chung tay bảo vệ môi trường sinh thái hiện nay.
- Dẫn nhập
Trong thời gian gần đây, mối quan ngại về sự bền vững sinh thái, an toàn sinh thái, v.v.. đang là trung tâm điểm bởi tính chất trọng yếu, sự tương tác giữa môi trường sinh thái và xã hội loài người. Cho nên, nhiều vấn đề đặt ra cho giới trẻ theo quan điểm của Đạo Phật là phải có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội và môi trường sinh thái… Sinh thái học, ngành khoa học nghiên cứu về mối liên hệ và tương tác giữa những sinh vật, những phần tử thực vật và phi thực vật của môi trường quanh chúng, giờ đây không chỉ là một bộ môn của nghành khoa học tự nhiên nữa. Nó được gọi là “khoa học về sự cân bằng thiên nhiên”[1]. Tính chất nổi bật nhất của sinh quyển là khả năng tự nhiên của nó trong việc duy trì sự sống cho vạn loài. Thế nên, một cộng đồng nhân loại phát triển bền vững hẳn phải được tổ chức sắp xếp theo phương cách nào đó mà trong đó lối sống của nó, các cấu trúc hữu cơ, nền kinh tế, thương mại, chính trị,… của xã hội ấy không làm ảnh hưởng đến khả năng bảo tồn sự sống của thiên nhiên.
Từ luận điểm này, chúng tôi suy nghĩ đến vai trò của ngành hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc giáo hóa, hướng dẫn Phật tử nhận thức, quan tâm và đi đến những hành động hữu hiệu hơn trong việc tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái làm cho đất nước phát triển bền vững, xã hội nhân văn và hạnh phúc cho nhân loại.
- Mối quan hệ giữa Tôn giáo và sinh thái
Nguyên Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Kimoon đã từng tuyên bố rằng, các cộng đồng tôn giáo là yếu tố quan trọng cho những nỗ lực toàn cầu trong việc giải quyết thách thức về khí hậu. Tôn giáo nhắc nhở chúng ta về những khía cạnh đạo đức của biến đổi khí hậu và về nghĩa vụ chăm sóc môi trường mong manh của trái đất và mối quan tâm trợ giúp đối với các nước láng giềng đang bị thảm họa của thiên nhiên. Stevent C. Rockefeller đặt vấn đề rằng, cần huy động người đứng đầu các tôn giáo lớn trên thế giới sử dụng các nguồn lực tâm linh để ứng phó khi trái đất đang phải đối mặt với những đe dọa lớn chưa từng có hiện nay. Trong khi đó, Llewellyn Vaughan cho rằng: Sinh thái học tâm linh có thể giúp chữa lành “cơ thể” trái đất đang bị hư hỏng nặng nề do sự khai thác quá mức của con người.
Alister E. McGrath phản đối cách nhìn truyền thống đầy sai sót khi coi khoa học và tôn giáo là hai con đường khác nhau khi tìm hiểu thế giới. Cần thay đổi ngay lập tức trong nhận thức về vấn đề này, các nhà khoa học thường đả phá, phủ định tôn giáo. Tuy nhiên, trên thực tế các tôn giáo luôn coi trọng và bảo vệ môi trường. Nếu chỉ xác định thế giới trong các giới hạn khoa học cụ thể và coi nó như tổng thể các nguyên tử và phân tử bị chi phối bởi các định luật không thể thay đổi, chúng ta sẽ mất khả năng hiểu rõ về những bí ẩn của thiên nhiên. Hãy nhìn nhận thế giới như một “tuyệt tác” của tạo hóa để đánh thức ý thức của con người trong việc bảo vệ thiên nhiên, nâng niu nó như nâng niu món quà của tạo hóa[2].
Tôn giáo thế giới đã bước vào “giai đoạn sinh thái” , tức là mối quan tâm về môi trường diễn ra cùng với sự tập trung tôn giáo truyền thống về đạo đức, nghi lễ, giúp đỡ người nghèo và giảng dạy, nghiên cứu các lời của Đức Phật về môi trường, về sinh thái, về rừng. Một đại biểu tiên phong, tích cực nhất của phong trào là nhà thơ Mỹ Gany Snyder (1930), từng đọc rất nhiều trước tác của các học giả Phật giáo nổi tiếng như D. T. Suzuki và Alan Watts, cho rằng “Cỏ cây và động vật đều là người (people)”, chúng phải có nhân quyền giống như con người, gọi là “quyền của động vật”, “quyền của cỏ cây”[3]….
Trong một nghiên cứu, Hubertus Mynarek chỉ ra: Trên phương diện từ nguyên, Ecology (Ökologie) ngay từ đầu đã có liên quan đến tôn giáo (Religion). Bởi lẽ, từ căn Religio của từ Religion (tôn giáo), có nghĩa là Rück-Bindung an das Ganze (quay lại và kết hợp với chỉnh thể), nhưng sinh thái học (Ecology, Ökologie) trên ý nghĩa về mặt từ nguyên là Oeconomie des Natur-Ganzen (kinh doanh quan tâm đến chỉnh thể tự nhiên)[4]. Nói cách đơn giản, sinh thái học (Ecology, Ökologie) liên quan đến sự chiếu cố và hiến thân đối với quan điểm tự nhiên mới, liên quan đến sự tồn tại của con người đối với tính chỉnh thể của tự nhiên, Cho nên, có thể nói sinh thái học ngay từ đầu đã có chiều hướng của tôn giáo.
Trên thế giới, nghiên cứu tôn giáo và sinh thái học là một lĩnh vực mới xuất hiện trong khoảng hai thập niên qua. Tiêu biểu là hai nhà khoa học Mary Evelyn Tucker và John A. Grim sáng lập Diễn đàn Tôn giáo và sinh thái học nhằm đi đến nỗ lực bảo vệ môi trường sinh thái. Theo hai người này: “ Sinh thái học tôn giáo là những cách thức định hướng hoặc tìm cơ sở cho những thực hành cụ thể mà nhờ đó con người dung dưỡng và biến đổi bản thân, cộng đồng trong một bối cảnh vũ trụ riêng biệt vốn rõ ràng đánh giá cao giá trị của tự nhiên”[5].
Chúng tôi cho rằng: Tôn giáo luôn có mối quan hệ với sinh thái, ngay chính từ khi nó ra đời. Các thực hành tôn giáo truyền thống luôn quan tâm đến sự hiện hữu của môi sinh, gắn kết và hài hòa để thăng hoa các giá trị tâm linh. Vì vậy, trong giáo lý các tôn giáo lớn trên thế giới đều phản ánh đặc điểm môi trường sinh thái nơi mà tôn giáo ra đời và hoạt động. Ngoài ra, để hiểu rõ mối quan hệ giữa tôn giáo và sinh thái, chúng ta cần khám phá những đóng góp của tôn giáo với việc bảo vệ môi trường sinh thái trên lĩnh vực nhận thức lẫn hành động cụ thể. Tuy vậy, tôn giáo và sinh thái học vẫn là lĩnh vực đang được phát triển. Nó khởi đầu với nhiều khái niệm vay mượn từ các lĩnh vực khác, những đã bắt đầu xây dựng những khái niệm và cách tiếp cận cho riêng mình[6].
- Một số phong trào tôn giáo sinh thái tiêu biểu trên thế giới hiện nay
Trong nỗ lực tìm đến giải pháp tôn giáo cho vấn đề đạo đức môi trường, vào các năm 1996-1998, hàng loạt hội nghị quốc tế về “Các tôn giáo thế giới và Sinh thái” (The Religions of the World and Ecology) đã được Viện đại học Harvard (Mỹ) tổ chức dưới sự tham gia và cộng tác của khoảng 700 học giả, chuyên gia môi trường và lãnh tụ tôn giáo của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm tạo ra những hiệu ứng hiệu quả đối với tín đồ của tôn giáo đó.
Các hoạt động về môi trường và bảo tồn của Tăng già miền bắc Thái Lan cũng lan rộng qua việc làm lễ truyền giới cho cây. Việc truyền giới cho cây, được áp dụng từ tu tập Phật giáo truyền thống, là một thực hành phổ biến ở nhiều quốc gia Phật giáo chiếm đa số, để tìm cách làm giảm thiểu nạn phá rừng và thiết lập các khu bảo tồn động vật hoang dã. Cây được truyền giới và bọc trong vải pháp phục cà sa biểu tượng của chư tôn tịnh đức tăng già Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada), làm cho chúng trở thành thiêng liêng và do đó bảo vệ chúng khỏi bị tổn hại, phá hủy và đốn hạ[7]..
Ở Campuchia, một phong trào sinh thái hiện nay là rừng của Campuchia được sự ủng hộ của một nhóm các nhà hoạt động đặc biệt. Các nhà sư, người đã đoàn kết các tổ chức như là Rừng cộng đồng cho các nhà sư (MCF) và Mạng lưới các nhà sư độc lập cho công bằng xã hội (IMMSJ) để chiến đấu bảo vệ rừng bằng cách yêu cầu chính phủ có những hành động mạnh mẽ hơn chống lại nạn phá rừng và vận động các nhà hành pháp tạo ra sự bảo vệ mạnh mẽ hơn.[8]
Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc về thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ “Đảm bảo bền vững về môi trường” (mục tiêu thứ 7), thực thi cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về môi trường ở Paris (Pháp), cộng đồng Phật giáo thế giới đã cùng chung tay hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, Thông điệp Phật đản Phật lịch 2560 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhắc đến việc bảo vệ môi trường bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm cụ thể hóa chương trình hành động đó, cũng là thực hiện Chương trình phối hợp hành động về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020 giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo 14 tổ chức tôn giáo trong nước, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng kí kết thỏa thuận.
Phật giáo Việt Nam đã có nhiều mô hình thành công trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái. Đầu tiên là mô hình trồng rừng của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Theo tinh thần nghị quyết kỳ II của TW Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam về việc phát huy tự túc kinh tế nhà chùa và hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đồng Nai. Hòa Thượng Thích Thiện Phước phát động toàn thể Tăng Ni trong tông môn trồng cây gây rừng, phủ màu xanh cho rừng núi, mỗi người trồng ít nhất là 100 cây tràm, điều, bạch đàn, sao…. Sau 2 năm, mầm xanh đã nhú lên trên mặt rừng khô cằn, hạt ươm ngày nào trở thành những cây con khắp nơi. Nhận thấy hiệu quả ấy, Cục Kiểm Lâm tỉnh Đồng Nai đã tiếp tục giao thêm đất rừng cho Quan Âm Tu Viện quản lý[9].
Đến năm 1984, nhân kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ, Ni Trưởng Huệ Giác lần đầu tiên phát động phong trào trồng cây gây rừng. Tham gia buổi lễ có ông Phạm Văn Hy - Bí Thư Tỉnh Ủy Đồng Nai, ông Lê Văn Nà - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Lê Hữu Sanh - Giám đốc Sở Nông Lâm Nghiệp thời bấy giờ.
Toàn bộ hệ thống tự viện của Tông phong gồm hơn 170 ngôi chùa, tịnh xá ở khắp Miền Tây cho đến Đông Nam Bộ. Từ năm 1982 đến nay tông phong tiếp nhận khoảng 1025 ha đất hoang trồng rừng theo giao ước tự trồng, tự hưởng dưới sự chỉ đạo, quan tâm trực tiếpcủa Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác - đương kim Tông trưởng. Những tán rừng xanh đã phủ đồi trọc, đem lại sự sống cho các loài động vật. Kế đến, đó là mô hình xử lý rác thải do Câu Lạc bộ Nữ chức sắc Phật giáo tỉnh Hà Nam phát động và thu được kết quả khả quan, được chính quyền ghi nhận thành tích.
Ngày nay, những phong trào tôn giáo sinh thái đang lan rộng đến nhiều quốc gia, được sự hưởng ứng của các tôn giáo lớn, thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Đây là tiền đề góp phần cùng với cả nhân loại chung tay bảo vệ môi trường, giữ gìn sự sống cho trái đất trước nạn tàn phá môi trường, tác động của quá trình biến đổi khí hậu đến loài người.
- Ngành hoằng pháp với vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái
Ngành hoằng pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là cơ quan làm nhiệm vụ hoằng dương chánh pháp, phổ truyền giáo lý cao đẹp của đức Phật đến Tăng Ni, tín đồ Phật tử để tu tập, làm lợi lạc cho xã hội. Mặt khác, với trọng trách và sứ mạng này, việc hoằng dương chánh pháp trong thời đại hiện nay cũng cần gắn với tinh thần khế lý, khế cơ, khế xứ, khế thời để thích nghi với xã hội lẫn truyền bá hữu hiệu. Đây cũng là một đặc trưng nổi bật của Phật giáo Việt Nam qua hai ngàn năm lịch sử: Tính linh hoạt. Như vậy, một trong những nội dung hoằng pháp của thời đại hiện nay phải chăng là gắn liền với việc bảo vệ môi trường sinh thái đang được nhà nước, cộng đồng xã hội quan tâm, chia sẽ cũng như việc kí kết thỏa thuận như đã nhắc đến ở trên? Cùng với nhà nước và cộng đồng xã hội bảo vệ môi trường sinh thái chính là chúng ta làm sống động những giá trị tinh thần cao quí của Đức Phật trong đời sống đương đại. Nhóm nghiên cứu chúng tôi gợi ý một số giải pháp để ngành hoằng pháp là một nhân tố quan trọng thúc đẩy việc bảo vệ môi trường sinh thái ở nước ta hiện nay:
-Thứ nhất, cần nhanh chóng hệ thống hóa những lời dạy của đức Phật có liên quan đến chủ đề môi trường và sự tương quan nhân quả về những hành vi của con người ứng xử với tự nhiên trong kinh điển để làm tài liệu thuyết giảng cho các giảng sư. Bên cạnh đó, những nội dung này cần số hóa để tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông hiện nay như Facbook, Zalo,…để đến với cộng đồng xã hội một cách nhanh chóng, chính xác, tiện lợi.
- Thứ hai, công việc thuyết giảng, bên cạnh tổ chức tại các chùa chiền, chư Tăng Ni trong Ban Hoằng pháp TW cần tổ chức một số hoạt động thuyết pháp cho các đạo tràng tại những khu rừng, bờ biển, vườn cây,… để họ ý thức, gia tăng lòng yêu mến và trân quí thiên nhiên. Thiết nghĩ, đây là một cách giáo dục hiệu quả. Tuy nhiên, hoằng pháp để bảo vệ môi trường sinh thái cần kết hợp với những hành động cụ thể của Tăng Ni, Phật tử như trồng cây gây rừng, xử lý rác thải hiệu quả, thu gom rác, tuyên truyền đến người dân, phóng sinh…Chúng tôi nghĩ rằng, Ban Hoằng pháp TW cần xây dựng kế hoạch để triển khai các giải pháp này một cách hiệu quả, làm sao tạo ra một phong trào lớn của cộng đồng Phật giáo mang lại hiệu quả thiết thực.
-Thứ ba, Ban Hoằng pháp TW cần phối hợp với các ban ngành, Viện của Giáo hội, các cơ quan khoa học tổ chức tọa đàm, hội thảo về Phật giáo với bảo vệ môi trường sinh thái, thảo luận sâu về các mô hình thành công bảo vệ môi trường của Phật giáo thế giới cũng như Việt Nam để đúc kết kinh nghiệm và làm cơ sở cho việc tuyên truyền, giới thiệu các Tăng Ni, tự viện điển hình qua sách báo, phim ảnh,…. Đó là những tấm gương, hành động cao đẹp để nhà nước, xã hội nhìn nhận và học tập.
-Thứ tư, Ban Hoằng pháp TW cần tư vấn, triển khai hướng dẫn cho Ban Hoằng pháp các tỉnh, thành tăng cường hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi quá trình biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường tự nhiên. Bằng nhiều hình thức như phát quà, khám chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ nước sạch, cung cấp máy lọc nước, lu đựng nước, tổ chức hoạt động văn nghệ…sẽ là những hình thức hỗ trợ mang ý nghĩa thiết thực, giúp đỡ được người dân nghèo ở những nơi đây, đồng thời mang lại niềm vui cho họ. Đây là cách thức hiệu quả để gieo trồng sự tín tâm với Phật pháp một cách hiệu quả nhất cho cộng đồng.
-Thứ năm, để thực hiện tốt mục tiêu hoằng pháp gắn với việc bảo vệ môi trường tự nhiên, Ban Hoằng pháp trung ương nên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức liên quan đến môi trường, biến đổi khí khậu và những biện pháp tuyên truyền, xây dựng các mô hình có ý nghĩa trong lĩnh vực này để Tăng Ni và các hoằng pháp viên nắm vững và vận dụng tốt. Tham gia tập huấn là các chuyên gia am hiểu vấn đề này đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ đang hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
-Thứ sáu, trong thời gian gần đây, ở những địa phương ven biển từ Tây Nam bộ ra đến miền Trung, các tỉnh miền núi phía Bắc, trước những diễn biến khó lường của quá trình biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường sinh thái, người dân phải đương đầu với nhiều vất vả, khó khăn trong sinh hoạt cuộc sống lẫn hoạt động sinh kế để có thể tồn tại. Ở nhiều nơi, người nghèo đã phải bỏ quê đi tìm kiếm việc làm, ruộng đồng bị bỏ hoang. Cho nên, một vấn đề đặt ra là phải có những giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này. Thông qua việc trang bị cho Tăng Ni ở các chùa đang nằm trên những địa phương này các kiến thức và kĩ năng liên quan đến phát triển cộng đồng, công tác xã hội cần được xem là một giải pháp ưu tiên hiện nay. Từ đó Phật giáo có thể xây dựng được các mô hình bảo vệ môi trường, ngăn ngừa tác động của biến đổi khí hậu như mô hình truyền thông, mô hình bảo vệ nguồn nước sạch, mô hình trồng cây xanh, mô hình chuyển đổi sinh kế cho người dân địa phương,…để nâng cao năng lực cho cộng đồng. Những hành động mang tính thiết thực, cụ thể giúp đỡ con người trong lúc khó khăn, hoạn nạn chính là những bài pháp sống động, ý nghĩa đối với người dân Việt Nam như ca dao xưa đã nói:
“Dù xây chín bậc phù đồ,
Không bằng làm phúc cứu cho một người”
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ủy ban Môi Trường và Phát Triển – Liên Hiệp Quốc, (1987), Tương lai của chúng ta (Our Common Future).
- Doubelday, Galilee (2003), The Reenchantment of Nature: The Denial of Religion and the Ecological Crisis, New York.
- Hubertus Mynarek (1986), Ökologische Religion. Ein neues Verständnis der Natur , München.
- Hoàng Văn Chung-Đỗ Lan Hiền (2017), Giới thiệu về Tôn giáo và sinh thái học, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11 (167)/2017.
[1] Ủy ban Môi Trường và Phát Triển – Liên Hiệp Quốc, (1987), Tương lai của chúng ta (Our Common Future).
[2] Doubelday, Galilee (2003), The Reenchantment of Nature: The Denial of Religion and the Ecological Crisis, New York.
[3] Dẫn theo: Trần Khuyết Nghi, Phật Giáo Và Môi Trường Tác Giả: Trần Khuyết Nghi. Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a18969/phat-giao-va-moi-truong. Ngày truy cập: 15/8/2018.
[4] Hubertus Mynarek (1986), Ökologische Religion. Ein neues Verständnis der Natur , München, p.14.
[5] Dẫn theo: Hoàng Văn Chung-Đỗ Lan Hiền (2017), Giới thiệu về Tôn giáo và sinh thái học, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11 (167)/2017, trang 78.
[6] Hoàng Văn Chung-Đỗ Lan Hiền (2017), Giới thiệu về Tôn giáo và sinh thái học, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11 (167)/2017, trang 79.
[7] Dẫn theo: http://phatgiao.org.vn/quoc-te/201808/Tang-si-Phat-giao-Thai-Lan-tich-cuc-bao-ve-moi-truong-31657/, truy cập ngày: 15/8/2018
[8] Dẫn theo: http://linhsonphatgiao.com/1/9/2018/campuchia-cac-nha-su-chien-dau-de-bao-ve-rung.html. Truy cập ngày: 15/08/2018.
[9] Thích Thiện Huy (2017), tham luận Công Tác Trồng Rừng Của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng - Một Mô Hình Bảo Vệ Môi Trường Của Phật Giáo Việt Nam Hiện Nay, trong văn kiện đại hội đại biểu phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, Tổ Chức tại Hà Nội.