Tập học Phật Pháp của Phật tử Bát Quan Trai (bài 1)
BÀI SỐ 1
VÀI ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐỨC PHẬT
Ni Trưởng Thích Nữ Thượng Huệ hạ Giác
Quan Âm Tu Viện, 09/12/Canh Thân 14/01/1981
I. ĐỨC PHẬT LÀ VỊ GIÁO CHỦ KHAI SÁNG CON ĐƯỜNG CHÁNH PHÁP
Đức Thế Tôn là vị giáo chủ khai sáng con đường chánh pháp, có một tầm cao rộng lớn, Ngài đem lòng từ bi hỉ xả để cứu độ tất cả chúng sanh muôn loài được vui, hết khổ, dứt đường sanh tử luân hồi, đưa chúng sanh đến bờ giác, thanh lương tịnh lạc.
Đức Thích Ca Mâu Ni Phật – Ngài là Thái Tử ra đời tại xứ Ấn Độ cách đây 2532 năm (2532), Ngài là một tấm gương sáng soi khắp năm châu thế giới đều biết, đều học, đều tu chứ không riêng tại xứ Ấn Độ mà thôi. Chúng ta là Phật tử có bổn phận phải noi theo gương sáng của Ngài, chúng ta phải học thông suốt lịch sử, giáo lý của Ngài để lại, để vừa biết vừa tu tập được an vui, được giải thoát cũng vừa hoằng dương chánh pháp, phổ độ quần sanh, lập thành công đức báo Phật thâm ân.
II. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM QUAN TRỌNG CỦA ĐỨC PHẬT TỪ XUẤT GIA ĐẾN THÀNH ĐẠO.
a. Tiểu sử của Đức Phật:
Thông qua tiểu sử của Ngài, Ngài thuộc dòng dõi quý tộc. Phụ Hoàng là Tịnh Phạn Vương, Mẫu Hậu là Hoàng Hậu Ma Da. Ngài là một Thái Tử văn võ kiêm toàn của nước Ca Tỳ La Vệ, xứ Trung Ấn Độ (nay là Népal). Tuy sống trong cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh, một đời sống vương giả, có địa vị tối cao, nhưng tâm tư ý tưởng của Ngài khác thường, ít vui lộ nét, hay suy tư trầm ngâm sâu xa, tâm Ngài như có mang một hoài cảm sâu kín nỗi niềm mà không ai biết được. Như người thân thương nhất là Phụ Hoàng và Mẫu Hậu hay Da Du Đà La là người vợ hiền yêu thương Ngài nhất mà cũng không khám phá được nỗi niềm sâu xa ấy.
b. Những nhân duyên thúc đẩy Thái tử xuất gia
Đầu tiên Ngài theo Vua cha dự lễ Hạ Điền, Ngài xem thấy cảnh cực khổ, nghèo đói của nông dân, mà nguyên nhân chính là do cái ăn mà con người và vật phải tranh giành, giết chóc lẫn nhau. Để có dịp quán xuyến suy xét giữa sự vương giả của mình và sự đau khổ của nhân dân quần chúng. Ngài càng thêm thương xót u buồn không tả được.
Thấy lòng buồn, Ngài xin vua cha du ngoạn các cửa thành để tìm nguồn vui cởi mở, nhưng nào ngờ càng đi xem ngắm cảnh Ngài càng thấy nhiều cảnh khổ sở hiện ra để Ngài nhớ tới cái sanh của đứa bé mới lọt lòng khóc tu - oa, cái già của người mắt lờ, tai điếc lụm khụm đi trên đường, người bệnh lăn lộn trên giường, người tật nguyền khập khểnh khắp nẽo, người chết nằm bên vệ đường, vui đâu không thấy, đau buồn tràn lan. Đấy là nguyên nhân thúc đẩy chí xuất gia tầm đạo để cứu mình và cứu khổ chúng sanh.
c. Đức Phật tu hành khổ hạnh
Đêm mùng 6 tháng 2 Ngài cùng Sa Nặc vượt ra khỏi thành, giã biệt hoàng cung, Ngài trao cân đai áo mão cho Sa Nặc rồi tu hành cho đến ngày thành đạo.
Đức Phật tu hành khổ hạnh, nhiều gian lao khó nhọc, mong tu tập tìm ra chân lý để chinh phục sự sinh tử của chính mình, rồi đem chân lý đó dạy dỗ chúng sanh tu hành được giải thoát, an vui, diệt hẳn mầm sanh tử luân hồi, đó là ý chí cao cả, gương đại hùng đại lực, đại từ bi của Đức Thế Tôn chúng ta.
Ngài phải khổ công 6 năm khổ hạnh tìm Thầy học đạo, nhưng vẫn chưa tìm ra ánh sáng giác ngộ. Ngài trở lại dòng sông Ni Liên ngồi dưới gốc cây bồ đề phát đại thệ nguyện không dậy đứng đi để tu tập thiền định đến đêm cuối cùng 49 ngày, vào nửa đêm Ngài đã chứng minh được Tam Minh, Lục Thông, đó là Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã thành đạo.
Thái Tử đã thắng đạt được mục tiêu, diệt hẳn mầm móng sanh tử luân hồi trong tam giới, và từ đây tiếng hát ca dương chánh pháp khắp 10 phương đem lại nguồn vui vi diệu đến với muôn loài vạn vật chúng sanh.
d. Đức Phật đi giáo hóa chúng sanh
Ngài thuyết trình bình đẳng để giải trừ giai cấp. Vì lúc bấy giờ ở Ấn Độ có 4 giai cấp: Bà La Môn, Sát Đế Lợi, Phệ Xá, Chiên Đà La. Thời bấy giờ sống theo chế độ phong kiến, người dân phải chịu nhiều bất công, nhất là những hạng người nghèo khó, hạ tiện. Phật dùng lòng từ bi đem giáo pháp dạy dỗ quần chúng, nhân dân biết thương yêu nhau, giúp đỡ nhau để nâng đỡ kẻ bần tiện bớt khổ được vui.
Một hôm, đức Phật nói với Vua Ba Tư như vầy: “Con người xấu tốt do nhân quả tạo tác chứ không phải là do giai cấp, không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong giọt nước mắt cùng mặn” Cho nên Ngài độ tất cả giai cấp sang hèn đều được quy y Tam Bảo, nếu ai phát tâm, Ngài đều chứng minh cho theo Ngài tu tập.
e. Đức Phật cải cách xây dựng xã hội
Ngài đem Tam quy, Ngũ giới dạy truyền cho Phật tử để răn cấm Phật tử làm ác, tu thiện. Ngài phô bày Thập Thiện pháp, tu phước hạnh để trừ thập ác đưa nhân dân quần chúng tiến đến con người lương thiện, nhân đức, tiêu biểu tốt đẹp. Ngài khuyến hóa dạy chúng sanh xây dựng đời sống xã hội tốt đẹp thuần lương trở về Chân, Thiện, Mỹ.
Ngài còn chọn đời sống vị lai an ổn cho chúng sanh. Ngài giảng rõ cái nhân tốt gieo hôm nay thì sẽ có quả tốt cho ngày mai, nếu muốn biết cái quả tương lai thì nên nhìn cái nhân hiện tại, nếu muốn biết cái nhân quá khứ thì nên coi cái quả hiện tại. Ngài thuyết giảng nhân quả rõ ràng để chúng sanh hiểu biết, để tránh ác mà làm thiện, nhờ vậy nhân dân và quần chúng cùng nhau tu thiện chữa ác, xây dựng tạo tác xã hội lương hiền tốt đẹp hơn xưa.
Ngài dạy các phương pháp tu giải thoát.
Ngài đem chánh pháp vạch rõ con đường tu tịnh nghiệp diệt trừ tam độc, biết lý nhân duyên, nhân quả, tu hành, dứt hẳn sanh tử luân hồi đến bờ giải thoát an vui. Đạo Phật là chơn lý tuyệt đối, không bi quan yếm thế, mà cũng không lạc quan như chúng sanh thường nghĩ, Ngài nói: “Đạo Phật là đạo giác ngộ, đem từ bi trí tuệ quán chiếu để thấy như thật, biết như thật, nói như thật và làm như thật. Cho nên Phật tử tu hành cần tu sáu Ba La Mật, muôn hạnh để cứu độ chúng sanh. Nếu người Phật tử tu hành chánh pháp, tu tập được nhiều cứu cánh rốt ráo, thấu tỏ được chân lý rốt ráo là sự thật chớ không phải huyền hoặc mê tín dị đoan chi cả. Vậy chúng ta là người Phật tử cần tu, cần học để chứng được đạo quả, thấu suốt chân lý, hiểu biết một cách tinh tường là không gì hơn phải có niềm tin sâu, hạnh bền, nguyện thiết thì mới mong cứu cánh được thân tâm ra khỏi biển khổ sanh tử luân hồi và để cứu độ chúng sanh thoát kiếp mê lầm, sanh về miền an lạc.
III. KẾT LUẬN
Đạo Phật là đạo từ bi hỉ xả lấy trí tuệ giác ngộ làm cứu cánh. Bởi thế Phật tử con cháu của Đức Thế Tôn chúng ta có bổn phận tu học chính chắn, thông suốt giáo lý và phải biết hoằng dương chánh pháp, báo Phật ân đức, phát huy truyền thống cao cả của Đức Từ Bi đã để lại, phải hết lòng bảo vệ chánh pháp được lưu hậu trường tồn. Ngoài ra chúng ta còn phải biết vun quén cho cội gốc bồ đề càng ngày càng thêm sum xuê, nẩy nở nhành lá tươi đẹp hơn.