Tổ Đình Quan Âm Tu Viện
* Năm xây dựng: mùng 08, tháng tư, năm 1966
* Trụ trì đầu tiên: Hòa thượng Tôn sư Thích Thiện Phước
* Kế nhiệm: HT Thích Thiện Chơn
* Trụ trì hiện nay: Ni trưởng Thích nữ Huệ Giác
* Phó Trụ trì hiện nay: Hòa thượng Thích Giác Quang – Thường trực Môn Phái Liên tông Tịnh độ Non bồng
* Năm trùng tu: 2000, 2007, 2011,2013, 2015,2017
* Hệ phái gốc: Tịnh Độ Tông
* Điện thoại: HT Thích Giác Quang: 01672478603
I. NGUỒN GỐC:
Quan Âm tu viện Biên Hòa có nguồn gốc xuất phát từ Tổ đình Linh Sơn (núi Dinh, Bà Rịa, nay là ấp Phước Thành, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu). Ngày 30 tháng 7, năm Ất Tỵ (1965), Tổ đình Linh Sơn bị bom đạn chiến tranh thiêu hủy mang theo 9 Tăng Ni Phật tử thương vong và 30 Tăng ni Phật tử khác bị thương nặng. Đứng trước ngôi già lam trên 200 năm gầy dựng, trải qua 10 đời Trụ trì nay phúc chốc trở thành hư không. Hòa thượng Tôn sư thượng Thiện hạ Phước Trụ trì và Ni trưởng Huệ Giác Tông trưởng của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng gạt nước mắt, lòng suy ngẫm cái lẽ sắc không tan hợp trong giáo lý nhà Phật. Quyết định hướng dẫn trên 600 Tăng Ni, Tịnh nhơn và 200 cháu cô nhi không nơi nương tựa (chùa có tổ chức hội từ thiện miên Đông, thành lập Cô nhi viện Phước Lộc Thọ) di tản về Biên Hòa tìm đất xây dựng lại chùa.
Được hữu nhân duyên lành, ông Phạm Văn Hai là cư sĩ (sau này là Đại đức Thích Thiện Hải tu sĩ tu tại Quan Âm tu viện) và quý ông Phạm Văn Sức, Phạm Văn Tàu cùng toàn thể gia tộc họ Phạm đã phát tâm cúng dường khu đất thổ cư rộng 1,6 hecta tại ấp Tân Bản, tổng Chánh Mỹ Thượng, xã Bữu Hòa, TP Biên Hòa (nay nằm trên dường Nguyễn Ái Quốc, thuộc Khu phố 3, phường Bửu Hòa. TP Biên Hòa) cho Hòa thượng Tôn sư Thiện Phước và Ni trưởng Huệ Giác xây dựng ngôi tu viện và Cô nhi viện.
Được sự ủy nhiệm của Hòa thượng Tôn sư, Ni trưởng Huệ Giác đã xuất dương sang các nước Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản để nghiên cứu thiết kế cấu trúc và quy cách trang trí một tu viện đại già lam, trở về cùng với Thượng tọa Thích Thiện Chơn, Thượng tọa Thích Giác Châu và chư Tăng nghiên cứu kết hợp hài hòa giữa tinh hoa kiến trúc cổ truyền Việt Nam với phong cách kiến trúc phương Đông, thiết kế và khởi công xây dựng tu viện mang tên Quan Âm (tức danh hiệu vị Bồ tát Quan Thế Âm) với hạnh nguyện từ bi, tiếp độ chúng sanh. Tu viện được tiến hành thi công vào ngày mùng 08 tháng 4 năm Bính Ngọ (27.05.1966), khánh lạc ngày 15 tháng giêng năm Kỷ Dậu (02.03.1969).
Quan Âm tu viện được xây dựng trên một quả đồi cao thoáng mát, cây cối xanh tươi, tọa lạc trên đường Nguyễn Ai Quốc, một đại lộ giao thông huyết mạch (đoạn ngang cầu Hang) từ Bắc vào Nam, phố xá đông đúc nhưng tu viện vẫn giữ được vẽ tĩnh lặng và vô cùng thanh tịnh. Những dãy nhà làm Học viện. Am phòng Tăng ni, trai đường, liêu, thất, phòng chẩn bệnh …kết hợp với ngôi Chánh điện, đền đài, bảo tháp thật đồ sộ nguy-nga tráng lệ, vươn lên giữa trời xanh tạo thành một quần thể di tích hoàn chỉnh, ẩn bóng dưới những rặng cây bồ đề, cây công chúa, cây dầu cổ thụ và những táng anh đào cành lá xum xuê râm mát vạn niên.
Nhìn toàn cảnh ngôi Quan Âm tu viện có địa thế đẹp, phong thủy tốt, mặt hướng ra dòng Đại giang (sông Đồng Nai) xa xưa triều mến, lưng dựa vào núi Châu Thới ngàn đời thân thương. Quan Âm tu viện từ bao nhiêu năm nay vẫn tồn tại trong sự oai nghiêm, cổ kính như một nhân chứng lịch sử phát triển của Phật giáo Đồng Nai nói chung và Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng nói riêng (lịch sử các chùa trong tỉnh Đồng Nai – NXB Văn Hóa Thông Tin 25/10/2002)
II. ĐỊA LÝ HÌNH THỂ:
Quan Âm tu viện có tất cả 48 công trình lớn nhỏ chia làm nhiều khu vực như : thờ tự, học tập, làm việc, cấu trúc sinh hoạt nghiêm túc.
Khu vực thờ tự ở gần cổng ra vào, trung tâm là ngôi chánh điện diện tích 94,5m2 (10,5 x 9m), tường gạch, mái tứ giác lợp ngói tây, giữa đỉnh nóc có trang trí bầu linh dược Bửu tháp của Đức Bồ tát Quan Thế Âm. Trung tâm Chánh điện thờ đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật thiền định trên tòa sen tượng cao 2,5 mét, chất liệu xi măng do Nhà điêu khắc tài năng Minh Dung sáng tạo vào ngày mùng 08 tháng 02 năm 1967. Sau Chánh điện có các công trình : điện thờ Thiên Thủ thiên nhãn, tháp thờ đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, tháp tượng tổ Bồ Đề Đạt Ma, tượng bằng ciment cao 3,6m đúc ngày rằm tháng giêng, năm 1981. Tháp của Hòa thượng tôn sư thượng Thiện Phước – Nhựt Ý (1924-1986) , 9 tầng, cao 12 mét, xây dựng năm 1986, khánh thành này 30/7 âl (1988), tháp của Hòa thượng Trụ trì Thích Thiện Chơn (1935 – 1977), 3 tầng, cao 6,5 mét, tháp của Hòa thượng Thích Giác Châu (1935-1998) , kế tiếp là Bảo đồng của Đại đức Thích Thiện Hải (1923-1999), người cúng dường đất xây tu viện. Phía sau là tháp Địa Tạng Bồ tát, tượng cao 5,5m do nhà điêu khắc Mai Lân tạc năm 1970, do Hội Phật Tử Liên Hoa, phân hội Từ Hoa, chùa Pháp Không, Quận 10, Tp.Hồ Chí Minh cúng dường . Ngoài ra còn có tháp A Di Đà cao 7,5 mét thật cổ kính phong nhiêu.
Nổi bật ở nơi thờ tự là thánh tháp Huyền diệu Quan Thế Âm Bồ tát sừng sững uy nghiêm. Đây là biểu tượng chính của Quan Âm tu viện. Tháp được khởi công xây dựng vào ngày 19/06 âl, năm Mậu Thân (1968), khánh lạc ngày 19/09 âl, năm Canh Tuất (1970) do Ni trưởng Huệ Giác phác họa và chỉ đạo thi công. Tháp xây kiểu tứ trụ bằng vật liệu bền vững, cao 12 mét, bốn mái uốn cong nhẹ nhàng thanh thoát. Tượng Quan Thế Âm bằng đá trắng tinh khiết, cao 7m. Có thể nói đây là pho tượng Phật bằng đá lớn nhất ở Biên Hòa.
Ngoài ra Quan Âm tu viện còn có các khu vực Đông viện, Tây viện, Hậu viện, khu chư Tăng, chư Ni, khu Trường học, khu Học viện Phật giáo, Khu vực tu tịnh, Khu an dưỡng, Nhà dưỡng lão, Trại cô nhi… khu vực vệ sinh, được thiết kế xây dựng rất khoa học tạo thành thế liên hoàn thuận lợi cho công tác tu học, làm việc, sinh hoạt của Trụ trì và Chư, Tăng ni trong tu viện.
Ngày nay, chúng ta biết đến Quan Âm tu viện không chỉ là một cơ sở tín ngưỡng tôn giáo thờ tự, tu học, đào tạo Tăng ni, làm việc và sinh hoạt trang nghiêm theo Tông chỉ của hệ phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng mà còn biết đến đây là một tổ chức tôn giáo tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai có nhiều đóng góp to lớn cho xã hội nhất là phong trào trồng cây gây rừng và công tác từ thiện (trích Những Ngôi Chùa Đồng Nai, NXB Văn Hóa Tp.Hồ Chí Minh ấn hành).
III. TỔ CHỨC:
Từ khi khai sơn ngôi đại già lam đến nay, Quan Âm tu viện đã có 3 đời Trụ trì: Trụ trì đầu tiên là Hòa thượng Tôn sư, kế nhiệm Hòa thượng Thiện Chơn là đệ tử làm Trụ trì từ (1966 – 1978). Từ ngày 19/6/1978 đến nay Ni trưởng Huệ Giác giữ chức vụ Viện chủ kiêm Trụ trì – Hòa Thượng Thích Giác Quang Phó Trụ trì phụ trách chư Tăng.
Ban lãnh đạo tu viện hiện nay gồm có : Ni trưởng Huệ Giác, Viện chủ kiêm Trụ trì và là Tông trưởng môn phong pháp phái Tịnh Độ. Người chính thức kế thừa Tông môn gìn giữ “Bửu Ấn” của Liên Tông Tịnh độ Non Bồng. Ngoài ra còn có Hòa Thượng Thích Giác Quang là Phó trụ trì kiêm Chánh Thư Ký, hiện nay Hòa thượng là Ủy viên Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN – Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung Ương GHPGVN – Phó Ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN Tỉnh Đồng Nai (khóa 2012-2017) – Cùng với một số tiểu ban ngành chuyên môn, như: Trang nghiêm, Văn Hóa, Thư viện, Hoằng pháp, Giáo dục Tăng Ni, Đạo tràng Phật tử, Y tế, Nghi lễ, Tiếp tân phục vụ làm công quả xây dựng, sửa chữa trùng tu tu viện. Ngoài ra có 8 Ban Nông thiền, mỗi ban có 12 người, Tổng số Tăng ni hiện nay tại tu viện là 280 vị
Quan Âm tu viện có tổ chức Tổ Măt Trận Tổ Quốc khu phố 1976-1981 – Chi Hội Chữ Thập Đỏ Quan Âm tu viện, họat động từ năm 1989 đến nay – Tổ Hội Liên Hiệp Nông Dân – Tổ Hội Liên Hiệp Phụ Nữ.
Quan Âm tu viện là trung tâm của môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng (Tịnh Độ Tông Việt Nam) có 170 tự viện chi nhánh trên toàn quốc – 1.315 vị Tăng Ni – 2.500.000 tín đồ Phật tử.
IV. SINH HỌAT PHẬT SỰ:
1. Công tác trồng rừng :
Ngay từ những năm 1984, Đảng và Nhà nước phát động phong trào trồng rừng, phủ xanh đồi trọc thực hiện lời dạy của Bác : trồng cây gây rừng, trồng cây nhớ ơn Bác Hồ. Nhân ngày sinh nhật lần thứ 94 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1984) Ni trưởng Huệ Giác, Viện chủ Quan Âm tu viện đã phát động Tăng, ni tiến hành phát quang, khai khẩn trồng rừng trên diện tích đất rộng 9 hecta ở xã Long Phước và xã Phước Thái (huyện Long Thành). Trong ngày ra quân có các ông Phạm Văn Hy (Bí thư Tỉnh ủy), ông Phạm Văn Nà (Chủ tịch UBND tỉnh) và nhiều quan chức đầu ngành tỉnh Đồng Nai đã đến chứng kiến và trồng cây lưu niệm. Từ sau lần ra quân đó đến nay, chư Tăng ni tiếp tục khai hoang, nhận đất trồng mở rộng rừng cây ở xã Long Phước, Phước Thái (huyện Long Thành), xã Hội Bài, Long Hương (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương)… nâng tổng số diện tích rừng lên 448 mẫu, Rừng của Quan Âm tu viện có nhiều loại gỗ quí như : sao, gõ, bằng lăng, tràm, dầu, xà cừ, bạch đàn… nay bước đầu đã có thu hoạch bình quân 300 triệu đồng/năm, làm lợi kinh tế cho địa phương và đất nước.
2. Từ thiện Xã hội :
Thành lập Cô nhi viện “Phước Lộc Thọ” ở Tổ đình Linh Sơn, do chiến tranh, năm 1968 chuyển về Quan Âm tu viện, Biên Hòa. Đến tháng 10 năm 1978 thì giải thể theo chủ trương chung của Nhà nước. Từ năm 1990 đến nay, tu viện có trại nuôi dưỡng 60 người già, cô độc neo đơn, trại Cô nhi nuôi dạy 10 em bị khuyết tật, bại liệt tâm thần.
Ngoài việc làm từ thiện tại cơ sở thờ tự, vị Viện chủ Quan Âm tu viện hiện nay là Ủy viên dự khuyết Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt nam (khóa 2012-2017), Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Từ thiện Xã hội Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai (khóa 2007-2012) Trưởng ban Từ thiện Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai (khóa 2012-2017), Phó Phân ban Thường trực Ni giới Trung ương đặc trách công tác Từ thiện Xã hội (2007-2012); hiện nay là Cố vấn Phân ban Ni giới Trung ương GHPGVN (2012-2017) với những bước chân hoằng hóa, cứu nhân độ thế khắp nơi, kết hợp cùng chư giáo phẩm Tăng Ni, Phật tử để cứu trợ, làm công tác từ thiện quốc tế cứu trợ đồng bào các nước An Độ, Tây Tạng, Campuchia, CuBa, Indonésia, Malaya, Thái Lan, Nhật Bản… Đồng bào trong nước miền Trung, miền Bắc, đồng bằng sông Cửu long bị thiên tai lũ lụt, thăm viếng, ủy lạo bệnh nhân ở Bệnh viện tâm thần, bệnh nhân phong cùi, bệnh viện Đa khoa, da liễu, trẻ em khuyết tật, Bệnh nhân bị chất độc màu da cam, người già yếu, neo đơn, đồng bào dân tộc K’ho, Chơro, Xtiêng nghèo khó ở tận Tây Nguyên xa xôi, xây nhà tình thương, tình nghĩa… Ở đâu có khó khăn hoạn nạn là nơi đó có dấu chân và tấm lòng ấm áp tình thương của vị Viện chủ Quan Âm Tu viện. Tính từ năm 2000 đến 2015 (15 năm) Ni trưởng Huệ Giác và chư Tăng ni đã góp phần công tác từ thiện cho xã hội 54,5 tỷ đồng, xây dựng 82 căn nhà tình thương. Tháng 02/2015 Quan Âm tu viện nhận phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng Nguyễn Thị Liễu (đã qua đời năm 2016), xã Xuân Đường; Mẹ Nguyễn Thị Tam, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ.
3. Tổ chức Thư viện, biên dịch, biên soạn, sáng tác :
Hiện tại Quan Âm Tu Viện có Thư viện Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, lưu trử trên 1.000 đầu sách, gồm:
- Tam tạng thánh điển Hán tạng, Pali tạng, Mật tạng.
- Kinh sách Tịnh độ tông,
- Bài giảng Tịnh độ Non Bồng,
- Sách giáo lý Phật học,
- Từ điển,
- Băng cassette, đĩa CD, VCD, bản tin, báo chí,
- Trang website Tinhdononbong.com, Linhsonphatgiao.com
Do các tác giả, soan giả, dịch giả, Tăng ni, Phật tử trong môn phái biên soạn và phát hành, giúp cho chư Tăng ni, Phật tử nghiên cứu tu học và truyền bá pháp môn.
Chịu trách nhiệm thành lập và quản lý Thư viện là Hòa thượng Thích Giác Quang, chức vụ: Phó ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai – Ủy viên Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN – Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung Ương GHPGVN – Thường trực môn phong.
V. TÔNG CHỈ & CÁC KHÓA LỄ TU HÀNH:
Đức Tôn sư khai sơn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, để làm phương tiện cho đại chúng tinh chuyên niệm Phật, dùng yếu chỉ Tịnh Độ làm tâm tông độ chúng, không lập phái để quản chúng, không dùng giáo quyền để hành đạo, lấy xương minh Tịnh Độ làm cương lĩnh, dùng pháp môn tu tứ nhiếp pháp và ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà giáo chúng.
Quá trình khai đạo tại Non Bồng, Đức Tôn Sư thường xuyên khai thị pháp môn Lễ bái niệm Phật, phát nguyện niệm Phật, Kinh Hành niệm Phật, sám hối ba tháng không nhàm trể, trú dạ lục thời tụng kinh không để mất…
Tịnh Độ Non Bồng được Đức Tôn Sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước sáng lập tu theo tông chỉ Tịnh Độ niệm Phật “Bá Nhựt Trì Danh”. Ngoài ra còn có pháp “Phát nguyện niệm Phật”, “Lễ bái niệm Phật” là hạnh tu của liên hữu Tịnh Độ Non Bồng:
1. Pháp môn Bá Nhựt Trì Danh, cầu sanh Tịnh Độ: là tông chỉ, là hạnh tu của Nhà sư Tịnh Độ Non Bồng. Được Đức Pháp Chủ thượng Khánh hạ Anh khai sơn tại Phật Học Đường Lưỡng Xuyên, Trà Ôn,Việt Nam. Về sau, năm 1960 Đức Tôn Sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước tiếp tục mở khóa tu dành cho Tăng Ni, Phật tử cả nước tinh chuyên tu hành cho đến hôm nay. Cũng năm 1960, Hòa Thượng Thích Hành Trụ cũng mở khóa tu tại chùa Chánh Giác, Gia Định dành cho chư Tăng và Phật tử tu hành cho đến khi ngài hành đạo về tại chùa Đông Hưng, Thủ Thiêm.
Tuy nhiên cho đến nay chỉ có tông phong Tịnh Độ Non Bồng của Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước vẫn còn truyền đăng và hành trì. Ngòai hạnh phát nguyện niệm danh hiệu Phật A Di Đà, lễ bái niệm Phật là tông chỉ, Đức Tôn Sư còn tiếp nhận thêm pháp môn Bá Nhựt Trì Danh làm tông chỉ chính yếu trong Tịnh Độ Non Bồng.
Khóa tu “Bá Nhựt Trì Danh niệm Phật” hằng năm được tổ chức từ ngày mùng 08 tháng 08 tại Nhứt Nguyên bửu tự, phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương đến ngày 17 tháng 11 âm lịch là kết khóa. Khóa tu dành cho chư Tăng Ni, Phật tử trong tông phong trên cả nước vân tập tham dự niệm Phật ngày đêm suốt ba tháng 10 ngày (tức là 100 ngày). Khóa tu được tổ chức đến nay (2017) là 57 khóa.
2. Pháp môn phát nguyện niệm Phật: là tông chỉ thứ hai của Tịnh Độ Non Bồng. Liên hữu Tịnh Độ Non Bồng kính tin Tam Bảo, hộ trì chánh pháp tôn thờ Phật Bổn Sư Thích Ca, Phật A Di Đà, Đức Quán Thế Âm là hạnh lành cao cả của người tu cần phải học và thực hành “từ bi cứu khổ ban vui”.
Khi làm Phật sự nào cũng phát nguyện nghiêm túc, nguyện tu, nguyện hộ trì, nguyện làm lành bất thối chuyển, nguyện làm con Phật bất thối chuyển, nguyện xuất gia bất thối chuyển. Khi hứa giúp ai một việc gì, dù tán thân mất mạng cũng vẫn thực hiện cho kỳ được, không thất hứa.
Thời điểm tu “phát nguyện niệm Phật” trong các chùa của Tịnh Độ Non Bồng được quy định vào lúc 23 giờ mỗi ngày, mỗi liên hữu khi tham dự pháp tu niệm từ 15 phút đến 30 phút, tại các chùa thì niệm 60 phút mới hồi hướng. Trong thời gian niệm, tất cả chư Tăng Ni, Phật tử có mặt đều phải tham dự pháp tu, không một ai được ngủ nghỉ trong giờ “phát nguyện niệm Phật”
3. Pháp môn lễ bái niệm Phật: Là tông chỉ thứ ba của người tu ở non núi; vì tu ở non núi nên lễ Phật, lễ Pháp, lễ Tăng, lễ các vị giáo chủ, lễ những người có công với nước non, quốc vương, khai quốc công thần, lễ cầu nguyện lục châu thế giới hòa bình, lễ cầu quốc thới dân an, nước nhà thái bình thịnh trị. Trong những năm 1959 đến 1965, chư Tăng Ni, Phật Tử Non Bồng thường xuyên thực tập “lễ bái niệm Phật”.
Lễ bái theo phong cách Tịnh Độ Non Bồng, là gieo năm vóc thành tâm kính lễ; có khi đứng lạy, quỳ lạy, người già yếu thì ngồi lạy. Chư liên hữu khi lạy xuống thì niệm câu :”Nam mô A Di Đà Phật”, khi đứng lên cũng niệm câu:”Nam mô A Di Đà Phật”. Người tu phát nguyện lạy như thế từ 3 lạy (lạy Tam Bảo) đến 12 lạy (12 câu nguyện Nam mô An Dưỡng Quốc, 12 câu nguyện Quán Thế Âm…), 48 lạy (lạy 48 lời nguyện của Phật A Di Đà),108 lạy (vừa lạy vừa niệm Phật).
Khi thực hành khóa tu lạy Phật, thì có vị duy na điểm chuông gia trì thật chậm cho liên hữu lạy Phật. Tư thế “đứng lạy” của Liên hữu Tịnh Độ Non Bồng như sau: hai bàn chân phải khép sát vào nhau, không đứng hình chữ “bát”, hai bàn tay chắp vào nhau, hai ngón tay cái xếp lên nhau. Đôi bàn chân đứng theo hình chữ “nhất” biểu hiện cho nội lực vững vàng, không ngã nghiêng, ngã ngữa, dễ dàng đưa hành giả đạt đến chổ nhất tâm, nghiêm túc giữ gìn giới pháp Phật, hai ngón tay cái xếp lên nhau biểu hiện cho sự tinh tấn, kiên tâm trì chí, tâm chí vững bền, tu hành bất thối chuyển.
Liên hữu Tịnh Độ Non Bồng, thường xuyên lễ sám Kinh Dược Sư, lạy Vạn Phật, lễ Pháp Hoa, lễ Tam Thiên Phật, lễ sám Ngũ Bách Danh Quán Âm Bồ Tát, lạy Thù Ân, lễ bái Tôn Sư, Thầy Tổ, lễ bái quý Sư Lớn, lễ bái những người già cả (trong ngày lễ Vu Lan)… lễ xong xá ba xá, lui ba bước rồi mới đi ra ngòai.
Thời gian tại Non Bồng, trong một ngày Tăng Ni, Phật Tử lễ bái hai lần, buổi sáng và buổi chiều, thường là lễ bái tập thể, từ một trăm người trở lên, đứng lạy, không quỳ hay ngồi mà lễ lạy.Hoặc từng cá nhân chư Tăng Ni, tín đồ Phật tử lập hạnh: sáng, trưa, chiều đều mặc áo tràng lễ bái Phật, Bồ tát, lễ bái Tổ Sư. Ngày nay, đã trên năm mươi năm rồi nhưng chư Tăng Ni, Phật tử vẫn còn thực hành “lễ bái niệm Phật” như xưa, trong thời gian nhập thất 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày hay 100 ngày.
4. Lễ bái Kinh Diệu Pháp Liên Hoa: Tại Việt Nam có rất ít người tu lạy (lễ bái) Kinh Pháp Hoa, những nơi có chư Tăng Ni phát tâm lạy kinh Pháp Hoa, như ở Chùa Vạn Đức, Vạn Hạnh (Thủ Đức). Một vài vị Tăng Ni xưa ở miền Tây Nam phần Việt Nam cũng từng tu hạnh lành lễ kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Năm 1964, Cụ Bà Diệu Âm, liên hữu Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, quản lý các Tăng Ni sinh tại Tổ Đình Linh Sơn phát tâm lạy từng chữ kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Năm 1969, tại Quan Âm Tu Viện dưới sự hộ trì của Đức Tôn Sư và Thượng Tọa Thích Thiện Chơn, Hòa Thượng Thích Giác Quang phát tâm nhập thất lạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa tại Tịnh thất Bảo Tịnh.
Pháp tu lạy Pháp Hoa, tức là lạy từng chữ trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, kinh Diệu Pháp Liên Hoa có 60.000 chữ (hơn 6 muôn lời thành bảy cuốn…trên thực tế có 76.460 chữ). Muốn lạy được kinh Pháp Hoa, hành giả phải thực hiện nhập thất 100 ngày, trong 100 ngày đó, mỗi ngày phân ra sáu thời sáng, trưa, chiều, tối, nữa đêm và thời công phu khuya, mỗi thời lạy 125 lạy, lạy đứng.
Điều cần thiết là trong thời khóa tu phải có hai người hộ trì chính yếu: một là Thầy Bổn sư hay một tu sĩ có phước đức trí tuệ cao viễn hơn hành giả để cân nhắc đến giờ lễ bái, cầu thỉnh long thiên hộ pháp bát bộ kim cang lai hộ trì gia hộ giữ gìn lực nội tại; hai là vị Thị giả thân tín, phục vụ ăn mặc ở bệnh, canh giữ bên ngòai không cho người ngòai xâm phạm nội giới (số lượng lạy như thế, trong quá trình tu tập của chúng tôi, nhận thấy như thế là đủ rồi các bạn ạ!).
Ngày khai kinh, hành giả mặc y áo tề chỉnh trang nghiêm, thật chậm rãi đến trước bàn Phật đảnh lễ Tam Bảo, đọc bài Chiên đàn hải ngạn…, tụng chú Đại bi…, niệm khai kinh kệ…, rồi đứng chắp tay, tiếp tục đọc câu: “Nam mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Nam mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát, nhứt tự “DIỆU”, điểm chuông rồi lạy 1 lạy”.
“Nam mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Nam mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát, nhứt tự “PHÁP”, điểm 1 tiếng chuông rồi lạy 1 lạy”
“Nam mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Nam mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát, nhứt tự “LIÊN”, điểm 1 tiếng chuông rồi lạy 1 lạy”
“Nam mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Nam mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát, nhứt tự “HOA”, điểm 1 tiếng chuông rồi lạy 1 lạy”… cứ như thế tiếp tục lạy từng chữ trong Kinh…
Trong 100 ngày lạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa sức khỏe phải đầy đủ, chỉ trừ tắm rữa,vệ sinh, các việc còn lại tuyệt đối cắt đứt muôn duyên, không công tác Phật sự, không thuyết pháp, không còn tiếp xúc với ngọai nhân, nếu còn tiếp xúc thì không lạy, không lạy thì không còn gọi là lạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa nữa!
5. Khóa lễ tụng chú Đại bi: Tại Quan Âm tu viện mỗi tháng có khai khóa lễ tụng chú Đại bi luân phiên ngày đêm. Thời gian khai kinh từ ngày mùng 7 và đến ngày 14 âm lịch huờn kinh.
6/. Khóa lễ Bát Quan Trai giới: là khóa tu dành cho quý vị Ưu Bà tắc, Ưu Bà di Quan Âm tu viện và quý Phật tử gần xa tham dự tu tập thiền tụng. Theo luật Phật chế trong Đại luật và có từ thời Đức Phật sanh tiền, trong kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, phầm Ưu Ba Ly vấn Phật. Tại Quan Âm tu viện mỗi tháng có tổ chức hai kỳ truyền giới Bát Quan Trai, mỗi kỳ được diễn ra bắt đầu từ 6 giớ sáng, ngày Chủ nhật đến 6 giớ sáng ngày Thứ hai thì xả giới. Mỗi đàn giới tập trung từ 120 Phật tử đến 180 Phật tử.
7. Lễ truyền tam quy ngũ giới: Mỗi năm có tổ chức 4 lễ truyền Tam quy Ngũ gới cho nam nữ Phật tử. Các lễ truyền giới được tổ chức vào các ngày rắm tháng giâng, mùng 8 tháng tư, rắm tháng 7 và rằm tháng 10 , mỗi lễ truyền giới bắt đầu từ 13 giớ đền 16 giờ hòan mãn.
8. Khóa an cư kiết hạ: Dành cho chư Tăng Ni trong tông phong mỗi năm đối thú An cư từ ngày 16 tháng 04 âm lịch đến ngày 14 tháng 07 Mãn Hạ – Tự Tứ – và Đại lễ Vu Lan.
VI . CÁC LỄ HỘI, HỌP MẶT:
Quan Âm tu viện là trung tâm của môn phái Liên tông Tịnh độ Non bồng (trước ngày 30/04/1975 là Trụ sở Tỉnh Hội Phật Giáo Tịnh Độ tông Việt Nam tỉnh Biên Hòa), hiện nay có 170 tự viện chi nhánh trên toàn quốc, nên có rất nhiều lễ nghi, những buổi hội họp, họp mặt được tổ chức. Thường thì chư Tăng Ni, Phật tử môn phong vân tập về tại tu viện vào những ngày quan trọng như:
- Họp mặt ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch
- Họp mặt ngày mùng 02 tháng 06 âm lịch
- Tham dự cúng húy kỵ Đức Tôn sư Hòa Thượng Thiện Phước – Nhựt Ý vào các ngày 28,29,30 tháng 07 và mùng 01 tháng 08 âm lịch.
- Lễ tổng kết diễn ra vào ngày 24 tháng Chạp hằng năm
- Ngày tết nguyên đán từ mùng 01 đến ngày 15 tháng Giêng
Ngoài ra còn có các lễ vía:
Quan Thế Âm, ngày 19 tháng 02 âm lịch
- Đại lễ Phật đản từ mùng 08 đến ngày 15 tháng 04 âm lịch
- Quan Thế Âm, ngày 19 tháng 06 âm lịch
- Lễ Vu Lan, ngày 15 tháng 07 âm lịch
- Quan Thế Âm, ngày 19 tháng 09 âm lịch
- Lễ húy kỵ Đức Sư ông thượng Bửu hạ Đức, ngày 18 tháng Chạp
- Lễ húy kỵ Sư Trụ trì Hòa Thượng Thích Thiện Chơn viên tịch ngày mùng 02 tháng 06 âm lịch
- Lễ vìa Phật A Di Đà diễn ra vào ngày 17 tháng 11 âl
- Lễ chẩn tế cầu siêu hương linh cửu huyền thất tổ bá tánh và cầu siêu anh hùng liệt sĩ hy sinh vì tổ quốc
- Ngoài ra còn có các lễ vía Tổ sư, chư vị Bồ tát, Hiền Thánh Tăng
- Lễ cung nghinh đột xuất.
VII . KHEN THƯỞNG – TUYÊN DƯƠNG – TÔN VINH:
1. Quan Âm tu viện:
– Liên Hiệp các Hội UNESCO Việt Nam chứng nhận “VIỆT NAM LINH THIÊNG CỔ TỰ – QUAN ÂM TU VIỆN”
– Trung tâm Bảo Tồn Di Sản Văn Hóa Tôn Giáo CÔNG NHẬN QUAN ÂM TU VIỆN LÀ DI SẢN VĂN HÓA PHẬT GIÁO CỦA TỈNH ĐỒNG NAI ngày 15/3/2016
2. Hòa Thượng Tôn sư Thích Thiện Phước – Trụ trì I:
- Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng III 2001
- Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng III 2001
3. Ni Trưởng Thích nữ Huệ Giác, Trụ trì II:
- Giấy chứng nhận “Người tốt việc tốt” năm 2003
- Bằng Khen Thủ Tướng Chính Phủ năm 2004
- Huy hiệu Sao Vàng Đồng Nai năm 2008
- Giấy chứng nhận Dân Vận khéo năm 2009
- Huân chương Lao động Hạng III năm 2014
- Nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai khen thưởng
- Nhiều Bằng Tuyên dương công đức của Trung Ương GHPGVN
- Ban Tôn Giáo Chính Phủ tăng GIẤY KHEN NI TRƯỞNG THÍCH NỮ HUỆ GIÁC & QUAN ÂM TU VIỆN có thành tích trong công tác Từ Thiện Xã Hội và góp phần BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO ngày 8/11/2016
- Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng Ni Trưởng Thích nữ Huệ Giác biểu tượng tòa nhà Quốc Hội năm 2016
- Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Ni Trưởng Thích nữ Huệ Giác biểu tượng trống đồng Đông Sơn Việt Nam năm 2016
- Huy chương vì sự nghiệp Đại đòan kết toàn dân do UBTWMTTQVN trao tặng năm 2015
4. Hòa Thượng Thích Giác Quang:
- Huy chương vì sự nghiệp Đại đòan kết toàn dân do UBTWMTTQVN trao tặng năm 2001
- Huy chương vì sự nghiệp Dân Vận khéo do Ban Dân Vận Trung ương tặng năm 2015.
- Huy chương vì sự nghiệp Nhân Đạo Chữ Thập Đỏ Việt Nam trao tặng.
- Huy hiệu 300 năm Biên Hòa – Đồng Nai do UBND tỉnh Đồng Nai trao tặng năm 2008
- Nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai
- Nhiều Bằng tuyên dương công đức của Trung Ương GHPGVN
- Bằng tuyên dương công đức của Ban Hoằng pháp TW GHPGVN 2015
- Bằng tuyên dương công đức của TW GHPGVN về công tác Tăng sự năm 2017.
5. Ni sư Thích nữ Kim Sơn:
- Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Hội Liên hiệp Nông dân Việt Nam
- Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Nhân Đạo Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam
- Giấy chứng nhận Dân Vận khéo của Thành ủy Tp.Biên Hòa tăng năm 2015
- Nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai
- Nhiều bằng tuyên dương công đức của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai
- Nhiều bằng khen của UBND Tp.Biên Hòa.
Ngày 15 tháng 9 ăm 2017
HT Thích Giác Quang
Ủy viên Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN