Lễ Ngũ Bách Danh
Lễ Ngũ Bách Danh tại Tổ Đình Quan Âm Tu Viện, Biên Hòa, Đồng Nai.
Hôm nay, lúc 18h00 ngày 19/9/Kỷ Hợi nhằm ngày 16/10/2019, tại Tổ Đình Quan Âm Tu Viện, chư tôn đức Tăng Ni cùng Quý Nam nữ Phật tử đã trang nghiêm cử hành lễ Vía Bồ Tát Quán Thế Âm, đãnh lễ 500 lễ nhân kỷ niệm ngày vía Đức Bồ Tát Quán Âm Xuất gia.
Do sự hạn chế của thời tiết, khóa lễ được chia ra cử hành ở Chánh Điện và Trai đường của Tổ Đình, tuy không gian hạn chế và thời tiết không tốt nhưng quý Nam nữ Phật tử đã trang nghiêm, thành kính tham gia xuyên suốt cùng Chư Tôn Đức tại Tổ Đình đến khi khóa lễ hoàn mãn 500 lễ lúc 22h00.
Quán Thế Âm (Avalokitesvara) là vị Bồ tát với hạnh nguyện luôn lắng nghe tiếng kêu khổ đau của cuộc đời rồi tìm cách cứu giúp chúng sinh. Theo kinh Pháp Hoa, Bồ tát có khả năng thị hiện vô biên thân, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện mà hiện thân tương ứng để cứu độ muôn loài.
Bồ tát Quán Thế Âm, còn được gọi là Bồ tát Quán Tự Tại (Avalokitesvara Bodhisattva) chỉ xuất hiện và xuất hiện khá nhiều trong các kinh điển Đại thừa như Hoa nghiêm, Lăng nghiêm, Pháp hoa, Bát nhã Tâm kinh, Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương, Đại Từ Đà la ni, Chuẩn đề Đà la ni… và rất nhiều các ký, sớ, giải, luận về Bồ tát. Ngài được xem là vị Đại bi (trong kinh Pháp hoa) nguyện cứu độ tất cả chúng sinh và Đại trí (trong Bát-nhã Tâm kinh) liễu ngộ năm uẩn đều là không.
Các kinh điển trên đều nói đến Bồ tát Quán Thế Âm với hình tướng nam tính, nam giới chứ không phải nữ giới. Bồ tát tượng trưng cho từ bi và trí tuệ. Ngài nghe hết tiếng kêu khổ, tiếng niệm danh hiệu ngài, tiếng cầu xin ngài để được như ý muốn, được cứu độ khỏi khổ đau, tai nạn…
Bồ-tát Quán Thế Âm được quan niệm là hình ảnh phụ nữ, là mẹ, là Phật… có lẽ dính dáng đến nguyên lý Mẹ mà rất nhiều văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo… theo đó đều có các thánh nữ. Đặc biệt, trong Phật giáo Mật tông Tây Tạng có thờ thánh mẫu Tara gồm nhiều vị. Truyền thuyết cho rằng vị Tara được sinh ra từ nước mắt của Đức Quán Thế Âm; rằng trong kiếp xa xưa, mẹ Tara đã là một vị công chúa quyết tâm tu, quyết giữ hình hài nữ giới cho đến khi thành Phật. Xin nói thêm, thánh nữ Tara còn được hiểu là hàng chục vị, có thể đến hơn một trăm vị, được phân biệt theo màu sắc của các tranh tượng. Tara màu xanh (Lục độ Tara) là vị tiêu biểu nhất.
Ý nghĩa cứu khổ cứu nạn vẫn được coi là tượng trưng cho hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm.
Trong kinh Pháp hoa, phẩm Phổ môn, nêu rất rõ và rất ấn tượng về ý nghĩa cứu khổ cứu nạn vẫn được coi là tượng trưng cho hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm.
Kinh cho ta thấy Bồ tát Quán Thế Âm là hình tượng nổi bật nhất của Đại Từ bi; những hóa thân của ngài gồm 33 hay 35 hình tướng để có thể thuận tiện cứu khổ cho chúng sinh. Lòng Đại từ bi ấy có thể xem như lòng mẹ đối với con cái, lại phù hợp với truyền thống của nhiều tôn giáo có một vị nữ được ví như là Mẹ của tất cả: Đức mẹ Kali, Đức mẹ Maria, Đức Mẫu… Do đó, mặc dù Bồ tát Quán Thế Âm có thể hóa thân thành Phật, Bích chi, Thanh văn, Phạm vương, Tự tại thiên, Đại Tự tại thiên, Đại tướng quân, Tỳ sa môn Thiên vương… Tiểu vương, Trưởng giả, Cư sĩ, Tể quan, Bà-la-môn, nam nữ Tỳ kheo... nét nổi bật nhất của hóa thân ngài vẫn là hình ảnh phụ nữ, hình ảnh mẹ hiền.
Kinh điển Đại thừa, đặc biệt là kinh Pháp hoa, được truyền sang Trung Quốc, các bản dịch chính kinh và phụ kinh của kinh này được phổ biến khá rộng từ năm 255 đến năm 601. Và quan niệm Bồ tát Quán Thế Âm mang hình tướng nữ giới được hình thành dần dần, đến đời Đường (618-907) thì hình tướng này hình như hoàn toàn phổ biến, nhất là trong giới bình dân, tạo thành một tín ngưỡng quan trọng.
Thí Vô Úy Giả là một trong những Thánh hiệu của Đức Bồ tát Quán Thế Âm. Vô úy có nghĩa là không sợ, thí vô úy giả là người hiến tặng năng lực không sợ hãi. Không run sợ, hết lo lắng là niềm an vui, hạnh phúc nhất trên đời, và người có năng lực giúp chúng ta an ổn, bất động trước mọi biến động của cuộc sống chính là Mẹ hiền, Đức Bồ tát Quán Thế Âm.
Kinh Pháp Hoa (phẩm Phổ Môn) đề cập đến 14 năng lực vô úy của Đức Bồ tát Quán Thế Âm: 1.Giúp chúng sanh thoát khỏi khổ não; 2.Giúp chúng sanh không bị lữa dữ thiêu đốt; 3.Giúp chúng sanh không bị nước lớn nhận chìm; 4.Giúp chúng sanh không bị ác quỷ làm hại; 5.Giúp chúng sanh thoát khỏi đao trượng; 6.Giúp chúng sanh không bị ác quỷ, ác thần trông thấy; 7.Giúp chúng sanh thoát khỏi gông cùm xiềng xích; 8.Giúp chúng sanh thoát khỏi giặc cướp; 9.Giúp chúng sanh dứt trừ tham dục; 10.Giúp chúng sanh xa lìa nóng giận; 11.Giúp chúng sanh đoạn trừ si ám; 12.Giúp chúng sanh cầu được con trai; 13.Giúp chúng sanh cầu được con gái; 14.Giúp chúng sanh niệm danh hiệu Quán Thế Âm thì được vô lượng lợi ích. Nói chung là các chúng sanh nào gặp lúc nguy khốn, cấp nạn mà thành tâm niệm danh hiệu Bồ tát thì sẽ được gia hộ khiến thân tâm an ổn, không còn sợ hãi nữa. Nhờ hạnh nguyện cao cả này nên Bồ tát được chúng sanh trong cõi Ta-bà tôn xưng là Thí Vô Úy Giả , “Bậc hiến tặng năng lực không sợ hãi”.
Đức Bồ tát Quán Thế Âm là vị Bồ tát của tình thương (Bi), yêu thương chúng sanh như mẹ thương con nhưng đồng thời Ngài cũng là vị Bồ tát của hiểu biết (Trí). Tuệ giác sáng chói của Ngài là nhìn thấy năm uẩn đều Không (không tự tính, Sunyata). Nhờ an trụ trong tuệ giác duyên khởi, không chấp thủ nên Bồ tát vượt thoát mọi chướng ngại, không còn sợ hãi, xa lìa điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh Niết-bàn (Bát nhã Tâm kinh).
Rõ ràng Bồ tát không hề sợ hãi, bởi Ngài thấy tất cả đều Không. Còn chúng ta luôn lo lắng và sợ sệt vì hầu như thấy tất cả đều có. Chính cái thấy “luôn luôn có” hạn hẹp đó của chúng sanh là nguyên nhân của mọi niềm bất an, sợ hãi. Vì thế, để học theo hạnh vô úy, không sợ của Bồ tát, chúng ta cần mở to đôi mắt trí tuệ để nhìn thật sâu sắc vào tự thân cũng như cuộc sống để thấy như thật rằng “vạn sự vạn vật đều giả có, duyên sanh, như huyễn, rỗng không, không tự tính, Sunyata”. Cái thấy của chúng ta càng tiệm cận với chân lý, sự thật bao nhiêu thì chúng ta càng thảnh thơi, tự tại, bình an và vô úy bấy nhiêu. Khi trong ta đã có năng lực tự tin, không sợ hãi, bất động trước mọi biến động rồi thì ta mới có thể hiến tặng năng lực ấy cho người thân, và cho hết thảy mọi người trước mọi biến động rồi thì ta mới có thể hiến tặng năng lực ấy cho người thân, và cho hết thảy mọi người.
( Phổ Môn kinh , bản dịch Phạn Ngữ, Thích Phước Nguyên)
Này người con trai của gia đình hiền thiện! Những ai thực hành sự tôn kính Bồ-tát Đại sĩ Avalokiteśvara và hành trì danh hiệu của vị ấy, thì nhất định sẽ nhận được kết quả ích lợi không bao giờ cạn.
Này người con trai của gia đình hiền thiện! Giả sử, có ai thực hành sự tôn kính Bồ-tát Đại sĩ Avalokiteśvara và hành trì danh hiệu của ngài; Lại có một người khác, tôn kính chư Phật Thế Tôn có số lượng bằng gấp sáu mươi hai lần số hạt cát sông Gaṅgā, hành trì danh hiệu của các vị ấy; và phụng sự rất nhiều chư Phật Thế Tôn trong suốt thời gian các ngài lưu trú, hiện hữu và duy trì đời sống, bằng cách hiến cúng những vật dụng như: y phục, bình bát, giường ghế và thuốc men chữa bệnh, ông nghĩ sao, sự tích lũy phước báu mà người con trai hay con gái của gia đình hiền thiện đó, tạo ra được bởi nhân tố ấy là bao nhiêu?
Sau câu hỏi ấy, Bồ-tát Đại sĩ Akṣayamatir thưa lên đức Thế Tôn: “Rất nhiều, bạch Thế Tôn! Quả thật quá nhiều, bạch đức Thiện Thệ! Sự tích lũy phước báu của người con trai hay người con gái của gia đình hiền thiện ấy, đã tạo ra thông qua nhân tố ấy là rất nhiều.”
Đức Thế Tôn dạy tiếp:
“Này người con trai của gia đình hiền thiện! Xét thấy, sự tích lũy phước báu của hai người đó, thông qua việc tôn kính chư Phật Thế Tôn và sự tích lũy phước báu của một người dù chỉ một lần thực hành sự tôn kính Bồ-tát Đại sĩ Avalokiteśvara và trì niệm danh hiệu của ngài, [cả hai] đều bằng nhau.”
Có ai tôn kính Chư Phật Thế Tôn có số lượng bằng gấp sáu mươi hai lần số hạt cát sông Gaṅgā, hành trì danh hiệu của các vị ấy, và có người nào khác thực hành sự tôn kính Bồ-tát Đại sĩ Avalokiteśvara và trì niệm danh hiệu của ngài. Họ có sự tích lũy công đức bằng nhau; cả hai khối phước đức ấy không dễ gì hủy hoại dù [trải qua] trong hàng trăm ngàn, hàng trăm triệu, hàng trăm tỉ kiếp.
Vì vậy, này người con trai của gia đình hiền thiện, phước đức của việc hành trì danh hiệu Bồ-tát Đại sĩ Avalokiteśvara, rất là mênh mông.
Ban Biên Tập LTTĐNB