Kính Mừng Ngày Phật Chuyển Pháp Luân
Này các đệ tử, đây là sự thật về các khổ đau: Sự sinh là khổ, già nua là khổ, bệnh tật là khổ, chết chóc là khổ, chung đụng người ghét là khổ khó chịu, xa người thương yêu là khổ đoạn trường, mong muốn không được là khổ thất vọng; sầu bi khổ não... đều là khổ đau; tóm lại chấp thân năm uẩn là khổ.
Này các đệ tử, đây là sự thật về nguồn gốc khổ: Tham ái là nhân của sự tái sinh. Phối hợp khao khát và niềm đam mê, tham ái bám víu cái này, cái nọ, chỗ này, chỗ kia, không muốn xa rời. Tham ái bao gồm ái luyến nhục dục, ái luyến sinh tồn, ái luyến hư vô. Tham lam, sân hận và sự si mê cũng là nguyên nhân dẫn đến khổ đau và nhiều bất hạnh.
Này các đệ tử, đây là sự thật về đại niết-bàn, hạnh phúc tối thượng, là sự chuyển hóa trọn vẹn tham ái, là sự xa lìa tham, sân và si, là sự kết thúc của mọi khổ đau.
Này các đệ tử, đây là sự thật về đường thoát khổ, con đường Trung đạo, tức Bát chính đạo, gồm tám chân chính: Tầm nhìn chân chính, tư duy chân chính, lời nói chân chính, hành vi chân chính, nghề nghiệp chân chính, siêng năng chân chính, chính niệm, chính định.
[…]
Khi biết Như Lai lăn xe chánh pháp, chư thiên khắp nơi vang lời tán dương: “Thật là tuyệt diệu, pháp luân Phật dạy. Không có Sa-môn hay Bà-la-môn, Trời, người, Phạm Thiên, hay ma vương nào trên thế gian này có thể chuyển được pháp luân như thế ở tại vườn Nai, gần Ba-la-nại. Cũng không có ai trên thế gian này có thể ngăn được pháp luân vi diệu được Phật tuyên thuyết ở tại vườn Nai.”
Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhamma Cakkapavattana Sutta)
Ta có nghe như vầy: Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự nơi vườn Lộc Giả[3] tại Isipatana[4] gần thành Ba-La-Nại. Nơi ấy Đức Thế Tôn gọi năm thầy Kiều Trần Như đến mà nói rằng: “Này các thầy tỳ khưu, có hai điều “cực độ” antā mà các hàng xuất gia phải xa lánh là: 1) Lợi dưỡng (kāmasukhallikānuyoga) theo ngũ trần, cực độ này rất thấp hèn, thô bỉ, thường tình, không cao thượng, không lợi ích. 2) Khổ hạnh (attakilamāthānuyoga) là ép xác, cực độ này rất đau khổ, không thanh cao, không lợi ích. Như Lai[5] đã dứt bỏ hai cực độ thái quá này và tìm ra con đường trung đạo (majjhimā patipadā), con đường này nó làm cho phát sanh pháp nhãn (cakkhu) và trí tuệ (nāṇa) nó đưa đến cảnh thanh tịnh[6] (vupasamāya) và được trí tuệ cao siêu là đắc tứ đế và ngũ thông (abhiññāya) giác ngộ[7] (sambodhāya) và Niết-bàn.
Này các thầy tỳ khưu con đường “trung đạo” là thế nào mà Như Lai đã tìm ra và làm cho phát sanh pháp nhãn, trí tuệ thanh tịnh, thông thấu lý tứ đế, giác ngộ và Niết-bàn? Trung đạo ấy có 8 ngã là: chánh kiến (samā diṭṭhi), chánh tư duy (sammā saṃkappa), chánh ngữ (sammā vācā), chánh nghiệp (sammā kammantā), chánh mạng (sammā ājīva), chánh tinh tấn (sammā vāyāma), chánh niệm (sammā sati) và chánh định (sammā samādhi), đây là con đường mà Như Lai đã tìm ra vậy.
Này các thầy tỳ khưu, khổ đế là sanh khổ, già khổ, đau khổ, chết khổ, không thích mà phải gần cũng khổ, thương yêu mà phải xa lìa là khổ, muốn điều chi mà không được cũng khổ, nói tóm lại có thân ngũ uẩn này là khổ[8].
Này các thầy tỳ khưu, tập đế là ái dục, nguyên nhân phát sanh lên sự khổ[9]. Ái dục này có 3 là: ái dục trong cảnh dục, ái dục trong cảnh sắc, ái dục trong cảnh vô sắc hay là ưa thích cho rằng: khi chết là diệt tắt mất luôn (dukkha samudaya sacca). Này các thầy tỳ khưu, diệt đế là sự diệt tắt cái khổ (dukkha nirodha ariya sacca). Sự hoàn toàn xa lánh, sự làm cho tiêu diệt, sự dứt bỏ, sự từ khước, sự giải thoát, sự không quyến luyến tới lòng tham lam ái dục nữa, đó là sự diệt khổ.
Này các thầy tỳ khưu, đạo đế là con đường đưa đến nơi diệt khổ (dukkha nirodha gāminī paṭipadā ariya sacca), con đường ấy có 8 ngã là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
1) a) “Đây là khổ đế”, này các thầy tỳ khưu, khổ đế này trước kia Như Lai chưa từng nghe nói lần nào, pháp nhãn phát sanh lên sự sáng suốt, trí tuệ, minh sát và ánh sáng cũng đồng phát sanh đến cho Như Lai.
b) Khổ đế này ta phải làm cho thấy rõ (pariññeyya). Này các thầy tỳ khưu điều này trước kia Như Lai chưa từng nghe, pháp nhãn phát sanh lên, sự sáng suốt, trí tuệ, minh sát và ánh sáng cũng đồng phát sanh đến cho Như Lai.
c) Khổ đế này ta đã thấu rõ rồi (pariññatā). Này các thầy tỳ khưu điều này trước kia Như Lai chưa từng nghe, pháp nhãn phát sanh lên, sự sáng suốt, trí tuệ, minh sát và ánh sáng cũng đồng phát sanh đến cho Như Lai.
2) a) “Đây là tập đế” (là nguyên nhân phát sanh lên sự khổ). Này các thầy tỳ khưu, tập đế này trước kia Như Lai chưa từng nghe…
b) Tập đế này ta phải diệt tận…
c) Tập đế này ta đã diệt tận rồi, này các thầy tỳ khưu, điều này trước kia Như Lai chưa từng nghe, pháp nhãn phát sanh lên, sự sáng suốt, trí tuệ, minh sát và ánh sáng cũng đồng phát sanh đến cho Như Lai.
3) a) “Đây là diệt đế”, này các thầy tỳ khưu, điều này trước kia Như Lai chưa từng nghe…
b) Diệt đế này ta phải làm cho thấu rõ (sacchikātabba).
c) Diệt đế này ta đã làm cho thấu rõ rồi. Này các thầy tỳ khưu điều này trước kia Như Lai chưa từng nghe, pháp nhãn phát sanh lên, sự sáng suốt, trí tuệ, minh sát và ánh sáng cũng đồng phát sanh đến cho Như Lai.
4) a) “Đạo diệu đế đưa đến nơi diệt khổ”, này các thầy tỳ khưu điều này trước kia Như Lai chưa từng nghe…
b) Đạo diệu đế đưa đến nơi diệt khổ này ta phải làm sao cho thấu rõ…(bhāvetabbaṃ).
c) Đạo diệu đế đưa đến nơi diệt khổ này ta đã làm cho thấu rõ rồi (bhāvitaṃ). Này các thầy tỳ khưu, điều này trước kia Như Lai chưa từng nghe, pháp nhãn phát sanh lên, sự sáng suốt, trí tuệ, minh sát và ánh sáng cũng đồng phát sanh đến cho Như Lai”.
Tóm luận bài pháp Đức Thế Tôn có giảng rằng:
“Này các thầy tỳ khưu, tứ đế có 3 luân và 12 đế này mà Như Lai khi nào chưa rõ thấu thì Như Lai cũng không thể công bố ra cho tất cả mọi người trong thế gian luôn cả Chư Thiên, Ma vương, Phạm Thiên, đạo sĩ, tu sĩ được biết rằng: Như Lai đã đắc Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác trong lúc ấy (Anutttaraṃ Sammā Sambodhiṃ)
Này các thầy tỳ khưu, nhưng khi nào tứ đế có 3 luân và 12 đế này Như Lai đã tỏ ngộ thấu rõ rồi thì lúc ấy Như Lai mới công bố ra cho tất cả mọi người trên thế gian luôn cả Chư Thiên, Ma vương và Phạm Thiên, đạo sĩ, tu sĩ và nhân loại được biết rằng: Như Lai đã đắc Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Khi ấy thông tuệ (nāṇadassana) phát sanh lên cho Như Lai, tâm hoàn toàn giải thoát[10], đây là kiếp chót, Như Lai không còn tái sanh lại ở đâu nữa”.
Khi Đức Thế Tôn giảng xong, các thầy tỳ khưu lấy làm thỏa thích bởi lời giảng giải của Ngài. Khi ấy pháp nhãn đồng thời phát sanh lên đến thầy Kiều Trần Như, trong sạch, không bụi nhơ, thấy rõ chân lý Dhamma cakkhu[11], vì ông thấy rằng: “Tất cả các pháp nào do nguyên nhân phát sanh lên, pháp ấy đều có tánh cách tiêu diệt – Yaṃ kiñci samudaya dhammaṃ sabbaṃ taṃ nirodha dhammaṃ”.
Khi Đức Thế Tôn thuyết xong, đồng thời Chư Thiên ngự trên quả địa cầu reo hò hoan hô rằng: “Kinh chuyển pháp luân này không có một ai dầu cho đạo sĩ, tu sĩ, Chư Thiên, Ma vương, Phạm Thiên có thể giảng giải được, chỉ có Đức Thế Tôn thuyết nơi vườn Lộc Giả tại Isipatana gần thành Ba-la-Nại (Benares) mà thôi”. Tiếng reo hò vui mừng này không bao lâu lan tràn đến các cõi trời Dục giới và Sắc giới. Đồng thời trong khi ấy 10 ngàn cõi thế giới sa-bà đều rung rinh chuyển động một cách kỳ lạ. Và hào quang sáng ngời rực rỡ phóng ra khắp vũ trụ, che lấp tất cả hào quang của Chư Thiên. Đức Thế Tôn liền tuyên bố rằng: “Này các thầy tỳ khưu, ông Kiều Trần Như đã tỏ ngộ, ông Kiều Trần Như đã thật tỏ ngộ!” Vì vậy mà từ đó ông có một danh hiệu thêm là Aññata Kodaññanhā (A-Nhã-Kiều-Trần-Như).
Vài quan niệm về sự phản chiếu của kinh chuyển pháp luân.
Phật giáo là căn bản trên sự thực hành của mỗi nhân vật vì nó là một hợp lý thật tế chớ không phải chỉ để tìm kiếm suy luận suông mà thôi.
Đức Phật tránh sự dùng quyền lực và ám chỉ phương tiện quý báu chính tự Ngài tìm ra.
Phật giáo là một con đường (magga).
Sự hiểu biết hợp lý là nền tảng Phật giáo.
Không có sự tín ngưỡng mù quáng.
Thay vì sự tín ngưỡng, Phật giáo chú trọng về thực nghiệm.
Theo kinh Phệ-đà (Veda) rất chú trọng đến sự lễ bái cúng dường, nhưng các điều ấy không có trong Phật giáo.
Chỉ tín ngưỡng một tà thuyết, con người không thể nào giải thoát được.
Không có nhờ vị thần hoặc trời nào giúp đỡ (cho giải thoát).
Cũng không nhờ sự trung gian của một hạng đạo sĩ nào.
Giới, định, tuệ là căn bản cốt yếu để đạt đến mục đích là Niết-bàn.
Căn bản của Phật giáo là chân lý vì con người có thể kiểm điểm xem xét bằng sự thực hành.
Tứ diệu đế đều có liên quan đến mỗi nhân vật.
Chính Ngài tự khám phá ra chân lý ấy chớ không nhờ một ai chỉ dẫn, nên Ngài có nói: “Điều này Như Lai chưa từng nghe bao giờ”.
Thật là chân lý thì không vì thời gian mà thay đổi.
Diệu đế thứ nhứt là khổ đế có mật thiết đến thân thể hay bản ngã của nhân vật, tuy nhiên nhiều đoạn khác nhau của đời người, phải phân tách, nghiên cứu, dò xét, do sự quán xét ấy sẽ đưa ta đến sự hiểu biết chân chánh.
Nhờ sự hiểu biết chân chánh ấy mà nó đưa ta đến sự trừ tiệt nguồn gốc của sự khổ. Còn diệu đế thứ nhì giải rõ trạng thái tâm địa của thường nhơn đối với ngoại cảnh.
Nguyên nhân sự khổ có liên quan đến lực lượng ngấm ngầm ẩn trú trong tâm tất cả chúng ta.
Chính lực lượng vô hình của tâm trí “ái dục” là nguyên nhân của tất cả sự khổ não.
Tập đế ám chỉ ngay sự sanh trong tam thế (quá khứ, vị lai và hiện tại).
Đức Phật đã chứng tỏ những kiếp của những sự tái sanh.
Nghiệp báo là một hệ thống ám chỉ của Phật giáo.
Thứ ba diệt đế là diệt tất cả sự khổ, dầu do nơi mình nhưng nó vượt qua các lý luận vì là một thánh pháp (lokuttara). Nó không giống như hai đế trước là diệu đế thứ nhứt và thứ nhì còn thuộc về “pháp thế gian, pháp phàm” (lokiya).
Diệu đế thứ ba là do tự mình giác ngộ, tự hiểu biết bằng pháp nhãn (sacchikātabba).
Diệu đế này được giác ngộ là do nhờ sự hoàn toàn dứt bỏ, không phải dứt bỏ những cái bên ngoài mà trái lại phải dứt tâm ái dục quyến luyến với những cảnh bên ngoài.
Với sự hoàn toàn dứt bỏ lòng ái dục là đắc được diệu đế thứ ba. Nên chú ý rằng: chẳng phải chỉ do sức lực của sự hoàn toàn dứt bỏ ái dục là Niết-bàn, “như vậy thì Niết-bàn có trạng thái tiêu mất”. Nhưng mà Niết-bàn có thể đắc được là do nhờ sức lực của sự dứt bỏ ái dục, sức lực này ta có liên quan với trần thế.
Và cũng nên hiểu rằng: Chẳng phải Niết-bàn là sản xuất ra ta (uppādetabba), nhưng mà ta phải đắc nó (pattabba). Và ta có thể đắc được trong đời hiện tại. Vậy thì, dầu cho tái sanh là một yếu điểm của Phật giáo, nhưng mà mục tiêu của Phật giáo là Niết-bàn, không phải do nơi sự tái sanh trong kiếp vị lai mới đắc.
Diệu đế thứ ba mà giác ngộ được do nơi sự thực nghiệm diệu đế thứ tư là đạo đế vậy.
Bát thánh đạo có năng lực mạnh mẽ để diệt ái dục nhưng cần phải thực hành.
Bát thánh đạo này hoàn toàn thuộc về tinh thần.
Tám năng lực của tinh thần này gom lại để đương cự chống lại với năng lực ngấm ngầm của tội lỗi phiền não.
Sự hoàn toàn trong sạch là giải thoát tất cả vòng sanh tử luân hồi, là tâm giải thoát tất cả lòng ham muốn, đến nơi vô sanh bất diệt (amata), đều là hạnh phúc cao cả của sự thắng trận vẻ vang vậy.
Sự giải thoát là sự toàn mỹ hay là toàn khiết? Toàn khiết (hoàn toàn trong sạch) là đúng hơn.
Trong mỗi trường hợp này, người ta có thể hỏi: Cái chi là toàn mỹ? Cái chi là toàn khiết? Theo Phật giáo không có cái chi là trường tồn, chỉ là một dòng tư tưởng thôi. Như vậy thì nên nói rằng: Dòng của tư tưởng được trong sạch là do nhờ sự dứt bỏ những ái dục phiền não.