Giới Luật Trọng Yếu
Còn tâm sự nào tha thiết hơn những lời di huấn của đức từ phụ trước khi nhập niết bàn, “hãy lấy ba-la-đề-mộc-xoa làm thầy”, Ngài đã gởi hết tâm huyết vào những lời tha thiết ấy, mong sao hàng đệ tử của Ngài cố gắng làm cho Phật pháp mãi hoằng thông trong cõi ta bà này.
Lộ trình để chúng ta siêu việt tam giới, đoạn trừ phiền não vô minh, dứt trừ lậu hoặc, thành tựu thắng trí, hoằng hóa độ sanh, nói chung không ngoài sự thể nghiệm của tam vô lậu học- giới - định - tuệ, mà trong đó giới là nền tảng căn bản, cội rễ của bậc thánh vậy, “Nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ”. Ví như một ngọn đèn dầu, nhờ có bóng đèn (giới) chụp lại bên ngoài mà ngọn đèn mới đứng yên, không bị chao đảo trước gió (định), từ đó phát ra ánh sáng rõ ràng (huệ) chiếu soi mọi vật xung quanh. Cũng thế, giới làm cho tâm chúng ta nhu nhuyến, an định, bớt phan duyên theo trần cảnh bên ngoài, tự soi rọi lại bản tâm bản tánh của chính mình; từ đó phát sanh trí tuệ, phá tan mà vô minh, đạt đến giác ngộ giải thoát. Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy: “Giới là cội gốc của Bồ đề, là cửa ngõ của niết bàn, là chiếc thuyền đưa chúng sanh qua biển sanh tử, là chuỗi anh lạc để trang nghiêm tự thân”. Như vậy, như vậy một hành giả muốn tiến bước trên con đường giải thoát thì không thể không giữ giới. Nhờ sự chế ngự của giới làm tường rào vững chắc, chúng ta mới thật sự có được một đời sống thanh tịnh, tự do và an lạc.
Trong Kinh Di Giáo: “Sau khi Như Lai diệt độ, các ông phải lấy giới luật làm Thầy, cũng như Phật còn tại thế, bởi vì GIỚI LUẬT CÒN LÀ PHẬT PHÁP CÒN, GIỚI LUẬT MẤT LÀ PHẬT PHÁP MẤT”. Muốn giữ gìn chánh pháp cửu trụ lâu dài, lợi lạc quần sanh, người xuất gia chúng ta phải đăng đàn thọ giới, phải nhiếp tâm thanh tịnh trong khi thọ nhận giới, và cái giới mà chúng ta thọ lãnh ngay lúc ấy chỉ là giới tướng, muốn thành tựu được giới thể chúng ta cần phải siêng năng sám hối ba nghiệp có như thế mới thành tựu được giới thể. Khi đắc giới thể thì vị vị giới tử ấy tâm liền thanh tịnh hảo tướng hiện ra.
- Nguyên nhân và thời gian Đức Phật chế ra giới luật:
Sau 6 năm khổ hạnh và 49 ngày đêm chuyên cần thiền định dưới cội cây bồ đề “nếu ta không tìm ra chân lý giác ngộ thì quyết chẳng rời khỏi nơi đây”, với tinh thần an định nhất tâm, khi sao mai dần mọc thì bồ tát chứng thành phật quả giải thoát giác ngộ.
Với đầy đủ mười danh hiệu[1], được thế gian tôn kính, là bậc Mô Phạm của trời người .
Từ đây nơi con người của Đức Phật trở thành các phạm trù chuẩn mực của các giá trị đạo đức cao quý cũng như nếp sống vô cùng bình dị mà mỗi người con phật cần noi theo cũng như tất cả chúng sanh trong 10 phương thế giới học tập, quy ngưỡng tôn kính và thực hành theo giới pháp của ngài, để tự thân chúng ta được thừa hưởng những phần an lạc, giải thoát nhất định.
Đức Phậtbắt đầu chuyển bánh xe pháp lần đầu tại vườn nai, với hội chúng gồm 5 vị tỳ-khưu hoàn toàn thanh tịnh, hình tướng “tam bảo” tôn quý của thế gian xuất hiện, là nơi cho trời người quay về nương tựa, sau độ cho ông Da-xá và bạn bè của ông. Khi ấy trên thế gian dược 60 vi thánh tỳ-khưu hoàn toàn thanh tịnh, Đức Phậtdạy rằng: “các vị hãy đi, hãy đi hoằng hóa, hãy vì lợi ích của chư thiên và loài người, hãy đem ánh sáng hạnh phúc đến khắp muôn nơi” lúc này hiển nhiên “giới luật” chưa có mà chỉ có ba pháp quy y, nhưng đơn giản hội chúng thánh đệ tử trong 12 năm đầu vẫn an nhiên thanh tịnh và sự an lạc ấy loan tỏa khắp những nơi mà các vị ấy đặt chân tới, mỗi hành động mỗi cử chỉ đều là mỗi pháp để cảm hóa chúng sanh. hằng ngày với 3 y 1 bình bát đến nhà nhà khất thực để nuôi sống huyễn thân tứ đại này và nâng cao tuệ giác, gốc cây là nhà, cỏ khô làm tòa, thường hành thiền định để nuôi dưỡng thân hụệ mạng.
Thời gian này Đức Phậtvà thánh chúng hoàn toàn an trú trong cảnh sống hòa hợp, thanh tịnh, mỗi nữa tháng chỉ tụng đọc:
“Chớ làm các việc ác
Chỉ nên làm các việc lành
Giữ tâm ý luôn trong sạch
Đây là lời phật dạy”
Lúc này tại thôn Tỳ-lan-nhã , tôn giả Xá Lợi Phất đang ngồi kiết già nhập định một mình tại nơi thanh vắng, sau khi xuất định liền suy nghĩ rằng: "Vì nhân duyên gì mà sau khi chư Phật diệt độ, giáo pháp không tồn tại lâu dài? Và vì nhân duyên gì mà sau khi chư Phật diệt độ, giáo pháp được tồn tại lâu dài?". Thế rồi vào lúc xế chiều, sau khi xuất định, tôn giả Xá Lợi Phất đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi sang một bên. Ngồi xong, tôn giả bạch Phật: "Bạch Thế Tôn! Con ngồi nhập định tại một nơi thanh vắng sau khi xuất định, con suy nghĩ rằng vì nhân duyên gì mà chư Phật sau khi diệt độ, giáo pháp không tồn tại lâu dài? Vì nhân duyên gì mà sau khi chư Phật diệt độ, giáo pháp được tồn tại lâu dài?"
Khi ấy Phật bảo Xá Lợi Phất: "Này Xá Lợi Phất! Có những đức Như Lai không chế giới cho các Thanh Văn, không quy định cách thức tụng Ba la đề mộc xoa (giới). Do đó, sau khi đức Như Lai diệt độ giáo pháp không tồn tại lâu dài, nhưng này Xá Lợi Phất trong chúng thanh tịnh của ta chưa có và cũng chưa hề có xảy ra sự việc gì , kẻ thấp nhất cũng chứng quả Tu-đà-hoàn đủ chứng minh sự trong sạch và thanh tịnh trong chúng của ta rồi vậy”[2].
Như vậy chúng ta thấy rõ tinh thần dân chủ, tôn trọng nhân cách của hàng đệ tử, cũng là biểu thị trí tuệ cao tột của đức phật, vì chiếc áo chưa rách mà đã vội vá thì chẳng thể gọi là người trí, người không bị gì mà đòi mổ thì sao gọi là lương y…
Nhưng khi tăng đoàn ngày càng đông và hang tỳ-khưu hữu lậu trung và hạ căn ngày nhiều nên bắt đầu từ năm thứ 13, tăng đoàn có những biểu hiện làm xáo trộn tăng chúng và hàng bạch y chê cười.
Người đầu tiên hủy hạnh thanh tịnh của tỳ-khưu là thầy Tu-đề-na, thực hành hạnh bất tịnh với vợ cũ, sau có các vị vì tham mà lấy nhiều cây xây thất, chưa chứng nói chứng, và vì cảm thân bất tịnh mà tự giết, giết giùm….ba giai đoạn chính để có cơ sở hình thành giới luật như sau:
– Giai đọan thứ nhất : Tôn Giả Tu Đề Na con trai của thôn trưởng Ca Lan Đa, do sự yêu cầu của người mẹ phải để lại đứa con trai để nối dõi tông đường, nên Tôn giả đã hành dâm với người vợ cũ. Sau sự việc xảy ra Tôn Giả bị lương tâm cắn rứt, cảm thấy hổ thẹn với những Tỳ kheo thanh tịnh nên thú nhận tội với chư Tăng, chư Tăng bạch Phật, Phật quở trách rồi chế giới: “Tỳ kheo ấy là kẻ Ba La Di không được ở chung”.
– Giai đoạn thứ hai : Một Tỳ kheo chán nản đời sống phạm hạnh, về nhà hành dâm với vợ cũ. Vì trong Giới Phật chế không cho trường hợp chán nản đời sống phạm hạnh. Do đó, Thế Tôn chế thêm “Tỳ kheo nào đã trì học xứ và chấp nhận đời sống của Tỳ kheo, chưa hoàn giới sút kém nhưng không phát lồ, hành dâm dục Tỳ kheo ấy là kẻ Ba La Di không được sống chung”.
– Giai đoạn thứ ba : Một Tỳ kheo sống trong rừng, bị thiên ma nhiễu loạn, nên đã hành dâm với con vượn cái. Nghĩ rằng Giới luật đức Thế Tôn dạy không có trường hợp cùng với loài súc sanh, thêm lần nữa Đức Thế Tôn bổ túc thêm Giới trên cho đầy đủ “Tỳ kheo nào đã thọ trì học xứ và chấp nhận đời sống của Tỳ kheo chưa hoàn giới, giới sút kém những không phát lồ mà hành pháp dâm dục, cho đến cùng với loài súc sanh, Tỳ kheo ấy là kẻ Ba La Di không được sống chung”.
Trên đó đều là những cơ sở, nền tảng cơ bản để Đức Phật bắt đầu chế giới. Lẽ hiển nhiên Đức Phật chỉ chế giới khi có người phạm và có biểu hiện ảnh hưởng cuộc sống tăng đoàn cũng như những việc làm mất oai nghi, niềm tin của cư sĩ.
- Các định nghĩa về Giới luật:
Giới theo nghĩa thông thường chúng ta hiểu là ngăn ngừa điều quấy, dứt dừng điề ác ("phòng phi chỉ ác"), hoặc ngưng điều ác và làm điều thiện ("chỉ ác, tác thiện").
Trong Bát Chánh đạo, Giới là giới uẩn gồm có chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Ở đây chỉ sự ngăn ngừa các hành động lỗi lầm của thân và khẩu. Khi các hành động lỗi lầm không được làm thì tránh được nhiều sự tổn hại cho những người khác. Ðây đã nói lên ý nghĩa "tác thiện" của giới.
Chữ Giới trong Giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa (Sk: Pràtimoksa, Pàli: Patimokkha) có nghĩa là Biệt giải thoát hay Xứ xứ giải thoát, Tùy thuận giải thoát. Biệt giải thoát là giải thoát từng phần; giữ giới nhiều thì giải thoát nhiều, giữ giới ít thì giải thoát ít. Tùy thuận giải thoát là giải thoát tùy thuộc vào quả hữu vi hay vô vi của người hành.
Từ điển của Rhys Davids cắt nghĩa Giới (Silà) có gốc từ ngữ căn Sìl. Ngữ căn Sìl có hai nghĩa: Upadhàranà (luân lý, đạo đức của Phật giáo, cách cư xử, tư cách đạo đức) và Samàdhi (Ðịnh).
Từ Patimokkha thì có nghĩa là, theo cách phân tích từ ngữ, trói buộc các hành động, giữ gìn, thúc liễm các hành động của thân và khẩu không để cho rơi vào đường ác, sai lầm, tổn hại mình và người. Ví như buộc mồm trâu để ngăn nó ăn lúa mạ.
Giới trong nghĩa của ngày trai giới (Pàli: Uposatha, Sk. Upavasatha, Hán dịch là Bố-sa-tha), có nghĩa là tịnh trú, trưởng dưỡng, trưởng tịnh và thiện túc[3].
LUẬT: Tiếng Phạn là Vinaya, phiên âm là Tỳ-nại-da, nói gọn là Tỳ-ni. Dịch nghĩa là điều phục (chế ngự, nhiếp phục) hay diệt (diệt trừ điều ác). Luật là những nguyên tắc do Phật quy định cho hàng Tỳ kheo áp dụng khi sống trong tập thể Tăng đoàn, trong giới có luật, nhưng dành riêng cho cá nhân, luật có quy phạm rộng hơn, chứa đựng giới, mang tính chất tập thể.
Tóm lại, Giới là điều răn, Luật là quy luật thi hành giới. Luật bao hàm cả giới còn giới chỉ là một bộ phận của luật. Tuy gọi khác nhau như thế nhưng tính chất vốn đồng nên có tên ghép là Giới Luật.
Qua các định nghĩa trên, Giới giúp cho hành giả đạt được hai mục tiêu: không làm các điều ác (chư ác mạc tác), làm các việc lành (chúng thiện phụng hành). Mục tiêu thứ ba của Phật giáo là giữ tâm ý thanh tịnh, loại bỏ hết các lậu hoặc (tự tịnh kỳ ý) và cũng là mục tiêu cứu cánh, cần phải nhờ đến việc thực hành định uẩn và tuệ uẩn.
- Bốn phương diện của hành giả giữ giới:
- Giới pháp:
Ta có thể theo nhiều phương diện khác nhau như: giới là 1 pháp trong nhiều pháp môn do Đức Phật chế định ra, hay khi hành giả thọ nhận giới để tu học, hành trì thì cũng như thọ lãnh một pháp trong nhiều pháp của Đức Phật nên ta có thể gọi giới là giới pháp vậy, cũng có thể hiểu là một phạm trù đạo đức dành cho hành giả tiến tu vậy.
- Giới thể:
thể tánh đắc giới nơi tâm hành giả phát sanh sau khi thọ giới, hay là do sau khi thọ nhận học giới tâm ta luôn suy nghĩ là người có giới pháp cố gắng không bao giờ làm việc chi sai quấy để phạm giới, vậy cái tâm ngăn che không cho hành giả phạm giới thì có thể hiểu là giới thể vây, khi giới thể phát sanh làm cho hành giả trở nên thanh tịnh, tướng hảo trang nghiêm.
- Giới hạnh:
Khi thấy ai giữ gìn các học giới trang nghiêm, thanh tịnh thì ta hay ca ngợi rằng: “vị ấy là người có giới hạnh trang nghiêm”. Do nơi giới thể mà hành động, oai nghi đều an trú trong chánh niệm, làm cho người thấy sanh lòng kính tín, ngưỡng mộ.
Theo HT Thích Thiện Siêu “nơi hành giả phát ra cử chỉ, hành động, nói năng đều y như pháp, tức là tùy thuận giới thể mà các hành vi của 3 nghiệp thân, khẩu, ý đều hành động y như pháp. Chúng ta quan sát kỹ, một người khi họ chưa thọ giới thì nói năng, hành động khác; khi họ đã thọ giới rồi, hành động, nói năng lại càng khác hơn. Là vì do có giới hạnh nên hình tướng và oai nghi khác đi, gọi là giới hạnh”[4].
- Giới tướng:
Tức là những học giới mà giới tử phát tâm gìn giữ và hành trì suốt thời gian tu học một cách thật trang nghiêm, thành tựu oai nghi, tế hạnh, tất cả cử chỉ hành vi đều đúng như pháp.
Tuy giới có phân chia ra giới tỳ-khưu, sa-di,tỳ-khưu ni, thức xoa, sa-di ni, cư sĩ ngũ giới….nhưng tựu trung lại trên bước đường huân tu đạo đức của các hành giả xuất gia có ba phạm trù đạo đức mà mỗi người chúng ta cần chú ý đến:
- Những việc làm phương hại đến con đường giải thoát giác ngộ của hành giả.
- Tổn hại đến tinh thần hòa hợp, gây sự chia rẽ và sự an lạc của tăng đoàn.
- Hành động làm cho xã hội chê cười, hủy báng, phá kiến chúng sanh.
- Lợi ích của việc giữ giới:
Kinh Trường Bộ có nêu ra 5 lợi ích của việc giữ gìn giới luật như sau:
1. Người có giới đức sẽ hưởng được gia tài pháp bảo nhờ tinh tấn.
2. Người có giới đức được tiếng tốt đồn xa.
3. Người có giới đức không sợ hãi rụt rè khi đến các hội chúng đông đúc.
4. Người có giới đức khi chết tâm không rối loạn.
5. Người có giới đức sau khi mạng chung được sinh về thiện thú, thiên giới.
Đức Phật chế giới không ngoài mục đích kiện thể bản chất thanh tịnh trang nghiêm của tăng đoàn và giữ gìn sự hòa hợp trong tăng đoàn
Đức Phật nhắc lại Mười lý do này trong Tăng Chi bộ kinh (Anguttara Ni kàya) và khi đức Phật trả lời trưởng lão Upalì về mục đích truyền dạy giới bổn (patimokkha) :
1/ Để Tăng già được mỹ mãn.
2/ Để Tăng già được an lạc.
3/ Để chế ngự các Tỳ kheo khó chế ngự.
4/ Để chúng Tỳ kheo được an ổn hòa thuận
5/ Để chế ngự các lậu hoặc trong hiện tại.
6/ Để ngăng ngừa các lậu hoặc đời sau
7/ Để tạo tin tưởng cho những người ít tin tưởng
8/ Để tăng đức tin cho những người có lòng tin
9/ Để Chánh pháp được vững bền
10/ Để phù trợ cho luật.
"Này UPàli, đây là 10 lý do nhằm dạy dỗ các đệ tử Như Lại và là mục đích giảng dạy giới bổn"[5] ( bản dịch của Hòa thương Minh Châu)
Trên nền tảng này quy phạm đạo đức Phật giáo không phải là một thứ lý thuyết đạo đức duy tâm, nó xuất phát từ kinh nghiệm, từ thực tế cuộc sống và trong mối quan hệ giữa người và người. Đồng thời mục đích của nó là nhằm xây dựng sự an lành hạnh phúc cho thế giới và con người hiện tại.
Thế nhưng, trong xã hội hiện đại ngày nay, do sự chi phối của hoàn cảnh xung quanh, chúng ta còn thiếu những môi trường tốt để trưởng dưỡng đời sống phạm hạnh và gìn giữ sơ tâm. Sự tiến bộ khoa học làm ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống của tăng ni, Tăng Ni trẻ có quá ít sự bảo hộ của Tăng đoàn. Nhưng dẫu thế nào đi nữa, tự thân mỗi người vẫn là quyết định thiết yếu cho sự thành bại trong đời sống tu học của chính mình. Cho nên, đối với người xuất gia, việc vâng giữ giới luật là rất cần thiết. Cần thiết cho bản thân và cần thiết cho Tăng đoàn.
Chúng ta thử nghĩ xem, nếu không có giới luật thì mỗi người sẽ hành động mỗi cách, nói năng mỗi kiểu thì làm sao xây dựng một Tăng đoàn gương mẫu. Và nếu chúng Tỷ kheo không nghiêm trì giới luật thì sẽ không bao giờ sống được trong chánh niệm đoàn kết hòa hợp như nước với sữa được. Một khi không hòa hợp thì Tăng đoàn sẽ yếu đi, giá trị mô phạm của tập thể cũng không còn, không sớm thì muộn tổ chức ấy cũng bị tan rã.
Vì thế, giáo pháp của Phật đòi hỏi sự nỗ lực của từng cá nhân. Sự chu toàn đạo đức của mỗi cá nhân sẽ trang nghiêm cho đoàn thể. Mỗi tế bào trong một cơ thể đều mạnh khỏe, được sự bao bọc bởi thành trì giới luật kiên cố, vậy mỗi hành giả sống đúng như Pháp, như Luật sẽ là nguồn năng lực vô biên cho sự lớn mạnh của Tăng già. Và một khi Tăng đoàn đã thực sự thanh tịnh hòa hợp thì không một thế lực nào có thể lấn áp hay phá hoại được. Giáo pháp nhờ đó mà ngày càng vững mạnh thăng hoa. Cuộc sống chung quanh cũng nhờ đó mà được ảnh hưởng tốt đẹp.
"Giới như đèn sáng lớn
Soi sáng đêm tối tăm
Giới như gương báu sáng
Chiếu rõ tất cả pháp”.
(Kinh Phạm Võng)
Người giữ giới tốt nhân đó sanh định, phát tuệ, tương ứng với 3 cặp phạm trù là người vô tham, vô sân và vô si, nhân đây mà thành tựu đạo quả giải thoát giác ngộ. Lần hồi dẫn dắt tất cả chúng sanh ra khỏi bể ái sông mê, chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an lạc niết bàn ngay đời sống hiện tại vậy.
- Kết tập:
Tôn-giả đại Ca-diếp (Mahakassapa) nhận thấy Ðức Thế Tôn nhập Niết-bàn mới có một tuần lễ mà lại có chuyện không hay xảy ra trong Tăng đoàn. Chuyện là lúc ngài Ca-diếp và năm trăm Tỳ khưu đang chu du truyền đạo ở Pàvà và nghe tin loan truyền từ người này sang người nọ, là Ðức Thế Tôn viên tịch. Trước tin chẳng lành đó một số Chư Thánh Tăng điềm nhiên trong oai nghi tế hạnh, còn một số phàm Tăng thì buồn bã tiếc nuối bậc đạo sư rằng: "Sao Thế Tôn vội Niết-bàn sớm, ánh sáng chân lý và pháp nhãn biến mất ở đời!" Rồi Chư Thánh Tăng an ủi và khuyến khích Chư Phàm Tăng bằng thuyết vô thường. Tuy nhiên lúc đó có một vị Tỳ khưu lớn tuổi và mới xuất gia tên là Subhada chưa có niềm tịnh tín nơi bậc Đạo sư nên có những thái độ và những lời nói bất kính với Ðức Phật như sau:
- "Này các bạn! Tại sao các vị thương tiếc nhiều đến Ðức Phật làm chi, Ngài đã viên tịch rồi thì chúng ta về sau sống thoải mái hơn lúc trước nhiều, không còn nghe những lời khuyên răn trách cứ nữa: 'Hãy như thế này, hãy như thế kia ...'. Kể từ hôm nay chúng ta muốn làm gì thì làm, không còn bị ràng buộc bởi các giới luật, vì Ðức Phật đã viên tịch rồi".
Câu nói của vị Tỳ khưu già đó tỏ ra xem thường giáo pháp và chưa gì thì muốn tách rời pháp luật của bậc đạo sư. Ngài Ca-diếp nghe như vậy cảm thấy xót xa và lo ngại cho tiền đồ của Phật giáo, nhưng Ngài làm ngơ để lo chu toàn việc trà tỳ Ðức Thế Tôn. Sau khi làm lễ xong, Ngài đem câu chuyện ấy trình bày lên Tăng chúng và nói lên sự lo ngại cho nền đạo pháp về sau:
- Nếu vậy thì từ nay phi pháp, phi luật sẽ phát huy, pháp và luật sẽ suy đồi; chủ trương phi pháp, phi luật sẽ nhiều, còn những chủ trương pháp luật sẽ bị giảm thiểu.
Cho nên với tư cách là một vị tăng được Ðức Thế Tôn ban cho là đệ tử nhứt về "Hạnh đầu đà", ngài Ca-diếp không muốn đạo pháp mai một về sau, và liền đứng ra triệu tập 500 vị Thánh Tăng để kết tập. Tuy nhiên Ngài chỉ tuyển chọn được 499 vị nghĩa là còn thiếu một vị nữa. Ngài thấy không vị nào ngoài Ðại Ðức Ananda được, vì Ðại Ðức là một vị làu thông Phật ngôn do Ðức Thế Tôn thuyết giảng trong suốt 45 năm. Tuy nhiên, Ðại Ðức chưa phải là bậc Thánh A La Hán vô lậu nên ngài ca-diếp động viên Đại Đức, và chờ Đại Đức khi nào đạo quả viên mãn thì cuộc kết tập mới khai mạc.
Đại hội kết tập bắt đầu khi Ngài Ananda chứng đạt thánh quả, ngài ananda trùng tuyên lời phật dạy, kết tập thành kinh tạng, còn ngày Upali trùng tuyên lại các điều giới để chư thánh tăng ghi nhận. Tôn giả tụng tới 80 lần nên bộ luật này có tên là “bát thập tụng luật”.
Lần kết tập này, toàn thể chúng hội đều nhất trí giữ gìn nguyên vẹn những gì chư Tôn giả ghi nhận là do chính Đức Thế Tôn tuyên thuyết hoặc chế tác ra.
Nhưng tôn giả ananda có lưu ý cho chúng ta rằng trong khi chế giới đức phật căn dặn “tùy phương sở quốc độ mà giới luật có thể thay đổi để phù hợp với nơi ấy”, và do văn hóa vùng miền, pháp luật của mỗi quốc gia mà ta phải chấp nhận và tuân thủ theo luật pháp của đất nước ấy thì mới gọi là “bậc trì giới” trang nghiêm thanh tịnh vậy.
Tóm lại là người con Phật phải đặt mục tiêu giới, định, tuệ lên hàng đầu. Học thôi chưa đủ mà phải có thực nghiệm của sự tu đạo, tri và hành hợp nhất, có năng lực thực tu thực chứng, thể nghiệm tự thân. Bằng phương pháp hành trì giới luật để trang nghiêm pháp thân. Như thế mới đủ trí lực, đủ bản lĩnh, đủ nhẫn nhục, đủ từ bi, đủ khiêm hạ, đủ bất khuất để dấn thân trong sứ mạng: “hành Như Lai sứ, tác Như Lai sự”. Cho nên đuốc tuệ luôn tỏa sáng, đem giới luật áp dụng vào đời cho đạo đức được thăng hoa.
Lại nữa mỗi tự thân chúng con luôn ý thức được rằng: “giới luật là mạng mạch, là nhịp đập của con tim, là không khí, là thức ăn, nước uống cho đời sống tu tập phạm hạnh hằng ngày. Nếu ai không khéo nỗ lực hành trì một cách nghiêm túc, e rằng đã không đem lại hạnh phúc an lạc mà ngược lại nó sẽ trở thành sự trói buột cho chính bản thân mình như bình báu đã bể thì không dung chứa được nước cam lồ, mà còn ảnh hưởng đến Phật pháp và muôn loài. Chúng con luôn mong ước lấy tôn chỉ “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài” làm tiêu chí, chuẩn mực của nếp sống thiền môn để xứng đáng là bậc Mô Phạm trong mười phương pháp giới.
Nơi sở học và sở hành còn thấp kém, nên ý tứ của chúng con thật là thô thiển, nhân dịp giới đàn sắp tới nên chúng con cũng sửa soạn lại vài lời của chư Phật, lời của các bậc cổ đức thánh hiền nhân đó dâng lên cúng dường thầy tổ, chúng con thành tâm ngưỡng bạch quý Ngài từ bi mẫn cố cho chúng con được hoàn thành tâm nguyện.
Đệ tử
THIỆN SANH
[1] Tathāgata : Như Lai, là người đã đến như thế hay người đã đến từ cõi Chân như.
Arhat : Ứng Cung, là người đáng được cúng dường, đáng được tôn kính.
Samyak saṃbuddha : Chính Biến Tri hay Tam miệu tam Phật đà, là người hiểu biết đúng tất cả các pháp.
Vidyā caraṇa saṃpanna : Minh Hạnh Túc, là người có đủ trí huệ và đức hạnh.
Sugata : Thiện Thệ, là người đã đi một cách tốt đẹp.
Loka vid : Thế Gian Giải, là người đã thấu hiểu thế giới.
Anuttara puruṣa : Vô Thượng Sĩ, là Đấng tối cao, không ai vượt qua.
Puruṣa damya sārathi : Điều Ngự Đại Trượng Phu, là người đã điều chế được mình và nhân loại.
Deva manuṣyānāṃ śāstṛ : Thiên Nhân Sư, là Bậc thầy của cõi người và cõi trời.
Bhagavān : Phật Thế Tôn, là Bậc giác ngộ được thế gian tôn kính.
[2] Việt dịch: HT Thích Phước Sơn, Chứng nghĩa: HT Thích Đỗng Minh, LUẬT MA HA TĂNG KỲ, Đại Tạng No. 1425, PL 2543 (TL 2000).
[3] Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1997
[4] HT Thích Thiện Siêu, Cương Yếu Giới Luật,
[5] HT Thích Minh Châu, Tăng Chi bộ Kinh 3B, tr. 73