Hương Cỏ Thơm
HƯƠNG CỎ THƠM
Tôi bước đi trên con đường miền quê, thuộc đồng bằng Sông Mékong, một dòng đại giang thân thương và trìu mến, một con sông phát nguồn từ tận xa xôi thượng lưu cao nguyên Tây Tạng, nằm vắt ngang “đường băng đồng” con đường huyền sử của Phật giáo Việt Nam. Dòng sông mang nhiều ấn tượng của tuổi ấu thơ với nhiều nhân duyên Phật Pháp và còn một con đường nữa mà ít ai biết được, đó là ”đường gia vị”, con đường biển xuyên qua đất nước Phù Nam, vào miền trung lưu sông Mékong rồi vào Đại Việt.
Ngày hôm ấy, nhân dịp bãi trường tôi được thân phụ cho đi về quê thăm Nội tổ, đi bằng đường bộ, trên một chuyến xe ca nhỏ hướng về hương lộ xã Tam Bình – Ngũ Hiệp, xe chở khoảng 20 hành khách và hàng trăm ký hành lý về nơi xứ sở của vườn cây ăn trái như sầu riêng, cam, quít… Quê tôi cũng là xứ sở đồng lúa mênh mông, mạch sống của người dân miền lúa nước. Bách bộ về nhà, tôi tha hồ ngắm nhìn những áng mây hồng trôi lơ lửng giữa khung trời xanh, phất phơ tạo thành những hình hài rồng bay phượng múa, những hình ảnh chư thiên, thiên nữ xuất hiện một góc trời, như những hiện tượng của thiên thể, tạo thành một vệt không trung bay về trong vô định, đã đưa tôi độc hành vào hư ảnh, nơi vùng suy niệm về thế giới hư không, không thời gian và không gian trong cõi hư vô ngàn trùng vô tận.
Bên đường là những chồi cỏ non dại, những cánh hoa bông bụp thi nhau khoe sắc thắm, những hàng hoa sim tím, những hàng cây xanh điên điển, những cành hoa trinh nữ thường xuyên khép táng, rồi lại nở rộ xếp thành những đóa hoa tròn xoe tươi thắm, hương nhụy tỏa khắp quê hương, những nhành cỏ thơm, đây là những láng rau trai nép mình nằm rạp vệ đường, tạo thành một màu xanh mượt mà thăm thẳm với xa xa là những đầm sen hồng liên hoa, rồi bạch liên hoa vươn mình trổ nhụy từ ngỏ đầu làng đến cuối vùng thôn xóm vắng vẻ thân yêu.
Nhớ thuở bên đường lưu luyến ấy
Ngàn năm còn đọng nét hương quê.
(Giác Quang thi tập II)
Mùa hè tháng 4 năm Đinh Dậu (1957), là mùa hoa phượng trổ, học sinh nghỉ học. Trong những ngày ở quê, lúc nào tôi cũng theo chân Hòa Thượng Thích Nhựt Long đi thăm ruộng, đấy là vị Hòa Thượng giảng sư mà tôi thương kính mến mộ; Hòa Thượng Trụ trì ngôi chùa Long Hòa, một ngôi chùa chân quê, nằm giữa khu vườn đầy cây cam, quít, sầu riêng… chùa lợp mái lá, vách đan tre “long một”, tức là tre được chẻ ra từ thân tre dài, vót thật sạch, đan cách nhau một mét có một thanh tre đứng chịu lực, tiếp đến đan cho tre nằm vắt ngang, và nối tiếp nhau, nối tiếp nhau trở thành vách tre đan “long một”. Bên trong phụng thờ Tam Bảo đơn giản, tuy giản đơn nhưng rất hiển linh, ngày ngày luôn có ai đó như chư thiên thì thầm, luôn tạo thành sự cân nhắc tụng kinh niệm Phật, công phu bái sám, dâng cơm Phật “cúng ngọ”, cúng kiến đại bàng kim súy điểu, quỷ tử mẫu khoáng dã, buổi chiều thì Mông Sơn thí thực, thí thập lọai cô hồn.
Một buổi trưa viếng thăm chùa Long Hòa, vừa nghe qua từ “cúng ngọ” chắc chắn ai cũng phải bỡ ngỡ vì từ ngữ Phật học nầy. Tôi xin nói về Phật sự “cúng ngọ” trong chùa cho những người con Phật muốn tìm hiểu: Theo lịch số thời điểm của Trung Hoa, địa chi “ngọ”, “giờ ngọ” tức là 12 giờ trưa, cúng cơm Phật vào giờ trưa khoảng từ 11 giờ đến 12 giờ gọi là “cúng ngọ”. Theo thời dụng biểu của Đức Phật lúc sanh tiền, Phật sử dụng hằng ngày để hành pháp, còn gọi là thời dụng biểu niết bàn (Chơn lý Đại đồng – tác giả Sư tổ Minh Đăng Quang) thì buổi sáng 6 giờ chư Thiên thọ thực, buổi trưa 12 giờ gọi là “nhựt thời trung”, Đức Phật và các môn đệ thọ thực vào buổi nầy, buổi chiều thì loài súc sanh thọ thực, buổi tối ngạ quỷ thọ thực. Làm Thầy tu Phật giữ giới, ăn cơm đúng giờ “ngọ”, quá ngọ, mặt trời vừa lóe qua chừng một sợi tóc thì hai hàm răng không chạm vào nhau nữa gọi là không ăn. Theo Sa di luật giải – quyển thượng – (Ngài Vân Thê Châu Hoằng chép – Việt dịch Tỳ kheo Thích Hành Trụ) như sau: “Thiệt căn lìa vị trần qua giữa ngày, nên nói chẳng ăn phi thời”. Giải rằng: “Phi thời ấy, là qua giữa ngày rồi, phi phần buổi của nhà tăng ăn vậy. Chư thiên ăn buổi sớm, Phật ăn giữa ngọ, súc sanh ăn sau giờ ngọ, quỷ ăn ban đêm, chúng tăng nên học theo Phật, chẳng ăn quá giờ ngọ…”. Đại Luật nói: “Phi thời ấy có hai phần: một là mặt nhựt quá giữa ngày; hai là ánh sáng của mặt trời chưa rạng đông. Lại nói bóng mặt nhựt đã trịch qua tây chừng một sợi tóc, sợi chỉ, tức gọi là phi thời.” Nay đây nói nhựt ngọ đó, là thuận theo lời ở phương đây, chính nơi kinh luật thì nên nói là nhựt trung mới đúng. Do vì, với giờ ngọ có chia làm tám khắc. Bốn khắc trước gọi là “chánh thời” bốn khắc sau gọi là “phi thời”. E người ta hiểu lộn xộn, nên chẳng nói chữ ngọ, mà nói chữ Trung. “Khởi thế nhân bổn kinh” nói: “Ô phô sa tha”, dịch “tăng trưởng”, nghĩa là người thọ trì trai pháp đây, được tăng trưởng căn lành. Như Phật dạy “Dùng cái sự qua giữa ngày chẳng được ăn, cũng gọi nghĩa ăn chay”.
Như kinh Tỳ La Tam muội, lấy bữa “ngọ thực” là pháp thực – Vua Tần Bà Sa La hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn, cớ sao Ngài ăn bữa giữa ngày?”
Đức Thế Tôn đáp: “Sáng sớm dậy, chư thiên ăn, mặt nhựt đúng ngọ là bữa ăn của chư Phật ba đời, mặt nhựt xế qua tây là súc sanh đi ăn, mặt nhựt về chiều tối là quỉ thần đi ăn; Như Lai nay muốn dứt cái nhân sáu thú, khiến cho chứng vào cái đạo lý trung dung, nên mới chế ra bữa ăn của chư tăng đồng với chư Phật ba đời.” (Sadi luật giải – Việt dịch Tỳ kheo Thích Hành Trụ)
Cho nên làm đệ tử Phật giữ giới luật tinh chuyên thì thọ thực vào buổi trưa, theo chư Trưởng lão xưa gọi là “nhựt thời trung”, theo Phật giáo Trung Hoa gọi là “giờ ngọ”, theo các chùa Phật giáo Việt Nam gọi là “độ ngọ”, theo quy cũ chốn thiền lâm gọi là “cúng quá đường”, khi mặt trời xế qua một sợi tóc thì Phật, đệ tử Phật, chư Tăng Ni không thọ thực buổi chiều là vậy. Người tu sĩ thời nay do sức khỏe kém, thân chúng sanh uế trược yếu đuối khô gầy nên khi Đức Phật ban hành giới không ăn chiều có kèm theo ý nghĩa cho phép nếu có ăn chiều xem như cơm cháo là vị thuốc trị bệnh khô gầy yếu đuối của chúng sanh.
Đó là nghi cúng cơm Phật, quả đường cập Tăng của Bắc tông, còn một nghi nữa mà ít người thực hành theo dấu chân xưa. Mùa đông năm 1957 tôi đã gặp được Đại Đức Thích Chơn Thường, xuất thân từ Phật học đường Nam Việt, tuy không phải là nhà Sư khất sĩ, nhưng Đại Đức tu theo pháp hạnh khất sĩ, thọ thực theo pháp hạnh khất sĩ. Ngài về nơi quê tôi đi trì bình khất thực làm phương tiện thuyết pháp giảng kinh, dáng đi của Đại Đức sao mà thanh thản nhẹ nhàng như hương cỏ thơm lan tỏa nơi đồng nội, nhu nhuyễn đến thế, đôi chân mềm mại theo dáng vẽ từ bi, nhưng uy dũng như voi chúa điều ngự bầy đàn, như tâm vương ngự phục lục căn, biến thành thức tâm giác ngộ quy về một mối giữa chốn phù hoa. Hình ảnh Sa môn đó khuất phục tôi phải ngó theo bước đi của người cho đến khi tôi không còn thấy người ở tận nơi đâu!
“Một bát cơm ngàn nhà,
Thân chơi muôn dặm xa,
Mắt xanh xem trần thế,
Mây trắng hỏi đường qua”.
(Ts Nhất Hạnh)
… Thời thơ ấu của tôi, không quan tâm những thú vui thành thị, vô tư với sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn và chỉ được người thân hướng dẫn đến chùa lễ Phật, tụng kinh Phật, ngắm nhìn Phật, biết một vài chuyện Phật, việc làm Phật, suy nghiệm về quê hương và ngắm những “hương cỏ thơm” bên con đường xưa từ vô thỉ..
Quan san từ vô thỉ
Theo dòng chảy thời gian
Mài mòn và năm tháng
Độ ấy vẫn thênh thang.
(Giác Quang thi tập II)
Thích Giác Quang
(bài viết đăng trên Hương Tràm VI – Trường TCPH Đồng Nai)